Góp ý sửa đổi bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân:

Phải tính đến yếu tố trượt giá

ANTĐ - Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, giá cả các mặt hàng liên tục bị đẩy lên khiến người nộp thuế gặp nhiều khó khăn. Để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Bộ Tài chính đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Phải tính đến yếu tố trượt giá ảnh 1
Mức giảm trừ còn nhiều điểm chưa hợp lý, ảnh hưởng đến đời sống người nộp thuế.

Cần tăng mức giảm trừ Đánh giá những mặt tích cực mà Luật Thuế TNCN mang lại, TS. Đỗ Thị Thìn, Phó Chủ tịch Hội Các nhà tư vấn thuế nhấn mạnh, trong điều kiện tăng cường hội nhập, chính sách thuế TNCN đã bảo đảm tính tương đồng với chính sách thuế của các nước trong khu vực và trên thế giới. Từ ngày có hiệu lực 1-1-2009, luật đã đóng góp ngày càng nhiều vào nguồn thu ngân sách từ 14.300 tỷ đồng trong năm 2009 lên  24.500 tỷ đồng năm 2010. TS. Vương Thị Thu Hiền, Trưởng bộ môn Thuế - Khoa Thuế và Hải quan - Học viện Tài chính dẫn chứng, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế là 4 triệu đồng/người/tháng và 1,6 triệu đồng/người phụ thuộc/tháng là không phù hợp với thực tế đời sống kinh tế - xã hội và mức thu nhập ở Việt Nam hiện nay. Khi chính sách thuế TNCN còn chưa nhận được sự đồng thuận nhất trí cao của đông đảo các tầng lớp nhân dân sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện, gây thất thu ngân sách. “Trong bối cảnh nền kinh tế chưa có sự ổn định, lương chưa tăng mà giá đã tăng thì nên căn cứ vào mức lương tối thiểu để xác định mức miễn trừ gia cảnh cho đối tượng nộp thuế như kinh nghiệm của Hàn Quốc, Thái Lan…” - TS Hiền nói.   Cùng quan điểm này, TS. Lý Phương Duyên - Học viện Tài chính khẳng định: “Mức giảm trừ được quy định bằng con số cụ thể 4 triệu đồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý thuế nhưng sẽ không phù hợp với mức lạm phát và trượt giá hàng năm. Vì vậy, nó chưa thể hiện được đầy đủ bản chất của khoản giảm trừ cá nhân là các khoản chi phí tạo ra thu nhập của người nộp thuế”.  Trước đó, trong lần lấy ý kiến của Quốc hội sửa đổi mức giảm trừ đối với người nộp thuế 4 triệu đồng/tháng cũng đã có nhiều phản hồi khác nhau. Chẳng hạn, nhiều ý kiến đồng ý nhất trí “mức 4 triệu đồng là giảm trừ gia cảnh”, “không nên qui định mức giảm trừ tuyệt đối mà qui định theo tỷ lệ phần trăm hoặc số lần trên mức lương tối thiểu do chính phủ qui định”. Có ý kiến đề nghị “qui định mức giảm trừ gia cảnh có tính đến yếu tố trượt giá”... Để góp phần nâng cao tính khả thi của Luật Thuế TNCN, TS. Vương Thị Thu Hiền cho rằng, trong chính sách thuế TNCN hiện hành nên qui định mức giảm trừ gia cảnh theo số tuyệt đối, không liên quan đến thu nhập và chi phí của các cá nhân vì hệ thống quản lý thuế ở Việt Nam còn yếu và thiếu những điều kiện cần thiết. Song việc xây dựng các mức giảm trừ cụ thể cần phải được nghiên cứu xem xét một cách đầy đủ và có hệ thống trên cơ sở số liệu điều tra thu nhập dân cư, đặc biệt là các chi tiết về thu nhập, chi tiêu của toàn bộ dân số cũng như từng nhóm đối tượng, ngành nghề, địa bàn cụ thể, các ảnh hưởng kinh tế, xã hội để có thể đạt được các mục tiêu công bằng, hiệu quả và khả thi của chính sách thuế. Chưa thực sự công bằng Theo nhận định của các chuyên gia, trong quá trình thực hiện Luật Thuế TNCN còn gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân khách quan như tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và lạm phát tăng cao… Luật đã mở rộng phạm vi áp dụng đối với các loại thu nhập ngoài tiền công, tiền lương như thu nhập từ đầu tư và kinh doanh. Tuy nhiên, cơ quan thuế hiện nay mới chỉ kiểm soát được thu nhập của người làm công ăn lương, còn các đối tượng khác phần lớn chưa kiểm soát được thu nhập và chưa đưa ra được các biện pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát việc tuân thủ của các đối tượng đó. Việc này vô hình trung tạo ra sự không công bằng trong quá trình thực thi luật. Các chuyên gia trong lĩnh vực thuế cũng đã chỉ ra những kẽ hở cho việc trốn thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Theo quy định, thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở trong trường hợp cá nhân chỉ có nhà ở, đất ở duy nhất được miễn thuế. Đồng thời, người chuyển nhượng bất động sản tự khai và chịu trách nhiệm về tính trung thực khi kê khai. Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống thông tin quản lý cá nhân của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có ngành thuế còn chưa đáp ứng được yêu cầu, việc kiểm tra, đối chiếu cần nhiều thời gian, nên trong những năm đầu thực hiện thuế TNCN ở lĩnh vực này, ngành chức năng chưa thể kiểm soát được từng cá nhân có bao nhiêu nhà ở, đất ở. Qui định này dẫn đến một thực tế là có địa phương thực hiện miễn thuế, nhưng có địa phương không cho miễn thuế. Do vậy, mục đích đưa ra qui định về miễn thuế không đạt được, gây nên sự không công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế ở các địa phương khác nhau.