Phải thu hồi bằng được tài sản tham nhũng, không để "bố nhận tội để con hưởng xa hoa"

ANTD.VN - Nhắc đến vụ khởi tố nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến cùng vụ ông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp chỉ ra nhiều mặt trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.

ĐBQH Phạm Văn Hòa trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội

- Qua các cuộc tiếp xúc cử tri và thực tiễn giám sát của một ĐBQH, ông đánh giá như thế nào về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta thời gian qua?

- Một cách khách quan nhất, phải nói rằng, công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta rất quan tâm và rất quyết liệt trong việc đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, trừng trị các đối tượng tham nhũng, lãng phí.

Những vụ tham nhũng được phát hiện ra đều bị xử lý nghiêm khắc, đến nơi đến chốn, bất kể là ai. Mới đây nhất, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng bị Cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng cùng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương thi hành Quyết định khởi tố bị can về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Điều đó chứng tỏ một điều là thực sự không còn vùng cấm trong lĩnh vực này. Qua tiếp xúc cử tri, tôi thấy đa số cử tri, người dân đều rất tin tưởng về công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Cũng phải nói rằng, những vụ đại án tham nhũng đưa ra xử lý vừa qua đều là “hậu xử lý”, tức đã xảy ra từ những năm trước đó, tuy nhiên việc xử lý quyết liệt cho thấy quyết tâm lớn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và có sức răn đe rất lớn. “Hậu xử lý” quyết liệt khẳng định một điều, dù anh đang đương chức hay đã về hưu mà tham nhũng thì cũng bị xử lý, không có chuyện khi đương chức cố vơ vét rồi nghỉ hưu là hạ cánh an toàn.

- Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi đến kỳ họp thứ 8 cho thấy, “tham nhũng vặt” vẫn phổ biến. Đại biểu có thể phân tích kỹ hơn dưới góc nhìn cá nhân?

Đúng vậy. Trong khi những vụ đại án tham nhũng được xử lý tích cực thì ở bên dưới, “nạn tham nhũng vặt” vẫn gây nhức nhối trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Hiểu nôm na, tham nhũng vặt là những người sử dụng chức vụ, vị trí của mình để vòi vĩnh, “ăn” những thứ nhỏ nhặt, cỏn con của người dân hoặc doanh nghiệp, có khi là năm, ba trăm nghìn đồng, lớn hơn là 2-3 triệu đồng…

Vậy vì sao tham nhũng vặt vẫn “có đất” tồn tại và khó xử lý? Đó là khi một bộ phận không nhỏ những người thực thi công vụ tìm mọi cách để vòi vĩnh, dù có thể là họ không vòi vĩnh công khai nhưng chỉ cần gây ra một chú khó khăn, thì những người dân, doanh nghiệp cảm thấy bất an nên buộc phải tự nguyện “bao thư”, coi như là “lì xì” để cho công việc của mình suôn sẻ, trơn tru.

Và cũng vì một đằng vòi vĩnh, một đằng tự nguyện chi, nên khó phát hiện, khó xử lý. Hiện nay, theo tôi biết, tình trạng này chưa thuyên giảm, và nó là mối nguy cơ, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước chúng ta.

- Nhiều ý kiến cho rằng trong xét xử các vụ án tham nhũng vừa qua vẫn còn nhiều vướng mắc, đôi khi chế tài chưa đủ mạnh, hoặc còn kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để được giảm nhẹ tội. Là ủy viên Ủy ban Pháp luật, ông đánh giá thế nào?

- Bên cạnh “tham nhũng vặt” khó xử lý như đã phân tích, thì khó khăn lớn nhất trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay là việc thu hồi tài sản tham nhũng rất hạn chế.

Tôi lấy ví dụ, vụ ông Nguyễn Bắc Son khai nhận hối lộ 3 triệu USD, tiền nhận hối lộ là tiền bất hợp pháp, phải thu hồi, nhưng thực tế thu hồi rất khó vì ông này khai đưa cho con gái nhưng con gái ông không thừa nhận…

Dù khó, nhưng tôi cho rằng, với sự quyết tâm của cơ quan bảo vệ pháp luật, thì phải khắc phục được các khó khăn này, phải tạo được chuyển biến.

Nói gì thì nói, cùng với xử lý tội phạm tham nhũng thì việc thu hồi tài sản tham nhũng chính là mục tiêu lớn nhất, bởi nếu buộc được tội để kết án họ đi tù nhưng không thu hồi được tiền mà họ đã tham nhũng thì không có nhiều giá trị.

Thậm chí các đối tượng sau khi tham nhũng được rất nhiều tiền, họ sẵn sàng chấp nhận đi tù để “củng cố đời con”, để con cái họ được sống trong xa hoa. Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng đó.

Tôi nhấn mạnh, có thu hồi được tài sản tham nhũng vào ngân sách nhà nước thì người dân mới tin tưởng vào các cơ quan bảo vệ pháp luật, vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước. Và đây là điều mà chúng ta phải tiếp tục làm, tiếp tục quyết tâm cao hơn nữa.

Cảm ơn ông!