Phải thẻ đỏ ngay!

ANTĐ - Nhiều người có nhu cầu vay tiền, nhưng gặp khó khăn về tài sản thế chấp đã phải tìm đến công ty tài chính, doanh nghiệp tín dụng vay qua hình thức tín chấp với các điều kiện thông thoáng nhưng với mức lãi suất thỏa thuận. Vay tiêu dùng qua công ty tài chính này có thủ tục khá đơn giản, chỉ cần có giấy tờ tùy thân, đi làm hưởng lương, hoặc tự kinh doanh... là đều có thể được. 

Tưởng chừng việc này sẽ xóa được nạn tín dụng đen, nhưng với lãi suất cho vay cao 70% đến trên 80%/năm có khi lên tới gần 100%, gấp 10 lần lãi suất ngân hàng thì các doanh nghiệp cho vay tài chính cũng không khác “tín dụng đen” là mấy. 

Trên thực tế, có công ty cho khách hàng vay với lãi suất mức 0,9%/tháng, tính theo dư nợ ban đầu, hoặc 1,75%/tháng, theo dư nợ giảm dần, tương đương với khoảng 21%/năm. Nhưng rất ít khách hàng có thể vay được với lãi suất này. Theo các chuyên gia tài chính và luật sư mức lãi suất từ 50%/năm trở lên là phản cảm. Vay như thế khác nào đi vay lãi ngày vì “tín dụng đen”cũng chỉ tính chi phí vay khoảng 1.500-2.000 đồng/ngày trên 1 triệu đồng.

Nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng lớn, lãi suất chặt chém đã giúp các tổ chức tín dụng này thu lợi nhuận khủng. Dù chỉ cho vay các khoản vay nhỏ, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, nhưng do áp dụng mức lãi suất "trên trời" với số khách hàng từ 300.000 người trở lên (có công ty hiện có tới 1,5 triệu khách hàng) thì lợi nhuận thu về đều rất cao, không có nghề kinh doanh nào lại phát sinh tỷ suất lợi nhuận cao như vậy. Một số công ty tài chính đạt lợi nhuận tới con số nghìn tỷ, "vượt mặt" nhiều ngân hàng tiếng tăm.

Với mức lãi suất cho vay cao mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thẩm quyền và gần như lãi suất được thả nổi, lại không bị khống chế trần cho vay nên suốt thời gian qua, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm đàng hoàng “chém đẹp” người tiêu dùng. 

Bên cạnh kiểu kinh doanh với mức lãi suất vượt quy định của Ngân hàng Nhà nước, còn có hoạt động cho vay qua thẻ tín dụng cũng vi phạm quy định về lãi suất. Hầu như các ngân hàng quy định lãi suất, lãi suất thanh toán trễ hạn đối với hoạt động cho vay qua thẻ tín dụng lên đến 20% - 30%/năm. Điều này là vượt giới hạn được phép quy định của Bộ luật Dân sự là “ không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố”.

Ngay Bộ luật Hình sự cũng căn cứ vào mức lãi suất này để xử lý về tội cho vay nặng lãi.  Đã có rất nhiều cá nhân bị phạt tù về tội cho vay nặng lãi vì mức lãi cao.

Vậy tại sao các cơ quan chức năng lại vẫn để các tổ chức tài chính cho vay với lãi suất còn vượt trần quy định cao hơn (150% lãi suất cơ bản) như vậy? Thị trường cho vay tài chính cần được chấn chỉnh cho dân nghèo, cho vấn đề an sinh xã hội được nhờ cậy.