Phải thay đổi về căn bản

ANTĐ - “Phải quán triệt trong ngành y tế là giảm quá tải phải đồng thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng ngày càng cao của nhân dân. Đây là mục tiêu kép, nếu không đạt được thì giảm quá tải cũng không có ý nghĩa”. Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về tình hình triển khai Luật Bảo hiểm y tế và Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Theo đó, phấn đấu hết năm 2015 đạt tỷ lệ bao phủ 75% dân số và đến năm 2020 đạt tỷ lệ 80%.

Nhận định rằng, khó có thể đạt mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân nếu không chỉ đạo quyết liệt, Thủ tướng yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện chủ trương BHYT toàn dân. Cho ý kiến về kết quả thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện, Thủ tướng lưu ý ngành y tế không chạy theo bệnh thành tích, không giảm quá tải một cách hành chính; cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm căn bản tình trạng quá tải gắn với không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới. Việc Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho các tỉnh tuyến trên chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới là giải pháp tốt, song người đứng đầu Chính phủ không hài lòng vì mới chỉ có 38 tỉnh, thành chuyển giao kỹ thuật, xây dựng bệnh viện hoặc khoa vệ tinh. Nếu chỉ chờ ngân sách thì khó xây dựng các bệnh viện mới giai đoạn 2016-2020. Vì vậy, bệnh viện nào cam kết tự chủ, Chính phủ sẽ cho vay ưu đãi, thậm chí vay không lãi để đầu tư.

Hiện nay chính sách BHYT chủ trương hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên nhằm tránh quá tải và tránh trường hợp người bệnh lạm dụng BHYT để khám chữa bệnh tùy tiện gây lãng phí Quỹ BHYT. Thực trạng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước. Để giải bài toán này, kinh nghiệm cho thấy, BHYT phải tuân thủ theo 3 nguyên tắc: tự do, công bằng và lành mạnh. Tự do là mọi người có quyền lựa chọn hãng bảo hiểm, gói bảo hiểm và lựa chọn bệnh viện nào thuận tiện nhất trong số tiền mình đã mua bảo hiểm. Công bằng là ai trả tiền cao thì sẽ được bảo hiểm thanh toán cao. Lành mạnh là, không phân biệt bệnh viện công hay tư, mà tự xếp hạng về chất lượng, tự đưa mức phí, nhưng người quyết định cuối cùng là bệnh nhân. Nếu bệnh viện khám chữa bệnh dở, nhưng tự xếp hạng cao, thu tiền cao thì sau một thời gian ngắn không ai đến khám sẽ phải đóng cửa hoặc điều chỉnh mức phí. Nếu bệnh viện khám chữa bệnh tốt nhưng giá rẻ, bệnh nhân dồn đến quá tải cũng sẽ phải nâng mức phí, vừa tránh quá tải, vừa nâng cao chất lượng lên cao hơn.

Dựa vào 3 nguyên tắc trên để giải bài toán theo 3 bước, chính sách BHYT của các nước phương Tây đã tránh được những “căn bệnh” trầm kha: bệnh nhân chuyển lên tuyến trên gây quá tải. Bệnh viện tuyến dưới thiếu trang thiết bị, thiếu bác sĩ giỏi, nhất là không có áp lực cạnh tranh.