Phải thay đổi nhận thức

ANTĐ - Qua tổng kết đánh giá thực trạng giáo dục Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tổ chức dạy-học ở trường phổ thông cho thấy, việc thiết kế chương trình, cách dạy và cách học của nước ta hiện nay giống như của các nước cách đây ba, bốn chục năm. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đánh giá như vậy tại một cuộc hội thảo trực tuyến mới đây. Cách dạy và học ở phổ thông và đại học về cơ bản là: thầy truyền thụ và giảng giải kiến thức; học sinh tiếp nhận và ghi nhớ kiến thức. Cách dạy, học như vậy cộng với cách đánh giá học sinh, sinh viên cũ kỹ dẫn đến tình trạng nhồi nhét, quá tải, dạy thêm, học thêm tràn lan.

Nghị quyết Trung ương 8 khẳng định sẽ chuyển từ giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang chú trọng hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất người học. Nếu không thay đổi cách thi tuyển đại học, thì làm sao thay đổi được cách dạy, cách học ở phổ thông để nâng cao chất lượng giáo dục?

Theo Ban chỉ đạo Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, sau năm 2015 sẽ thiết kế theo hướng học sinh phải học ít hơn, đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục. Chương trình và sách giáo khoa sẽ có thay đổi lớn với nguyên tắc: tích hợp cao ở lớp và cấp học dưới; tự chọn và phân hóa cao ở lớp và cấp học trên. Nếu trước đây việc truyền thụ kiến thức là mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của giáo viên, thì nay truyền thụ kiến thức là phương tiện, cách thức để giúp học sinh, sinh viên từng bước hình thành phẩm chất, năng lực. Ở các lớp dưới, việc truyền thụ vẫn còn nhiều, song càng lên lớp trên thì càng giảm.

Ở các lớp trên, giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn tổ chức, hướng dẫn học sinh tự học. Đặc biệt, theo Bộ trưởng, tới đây học sinh sẽ được học theo nhóm, được trình bày và bảo vệ ý kiến của mình, đồng thời phản biện ý kiến của bạn học và có thể nhận được điểm số giống nhau cho những đáp án khác nhau. Ở bậc tiểu học và trung học, học sinh sẽ được học thêm một số môn như Tìm hiểu tự nhiên và Tìm hiểu xã hội, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động sáng tạo trải nghiệm. Thi tuyển sinh là một vấn đề rất quan trọng nhưng không phải là khâu duy nhất trong hoạt động đào tạo. Chất lượng đầu ra và khả năng tìm được việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp mới là điều quan trọng và quyết định vấn đề tuyển sinh của các trường đại học - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, việc tự chủ tuyển sinh là dứt khoát phải làm theo Luật GD-ĐT và Nghị quyết Trung ương 8. Giao quyền tự chủ cho các trường, không có nghĩa là để quay trở lại thời kỳ trước “ba chung”, mà là để các trường tuyển sinh viên phù hợp với từng ngành, lĩnh vực đào tạo của mình.

Thay đổi cách dạy, cách học, cách thi là đòi hỏi bức thiết của nền giáo dục, song khó nhất là phải thay đổi được nhận thức, tư duy. Nhà trường, giáo viên, học sinh phải thay đổi, đồng thời phụ huynh và cả xã hội cũng phải thay đổi, đổi mới triệt để, sâu sắc.