Phải sớm có bộ quy tắc để đảm bảo an ninh ở Biển Đông

ANTĐ - Chiều qua 7-8, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức cuộc họp báo thường kỳ. Nhiều vấn đề dư luận quan tâm đã được nêu trong cuộc họp như lao động Việt Nam ở Yên Thủy (Hòa Bình) bị công an Trung Quốc bắt giữ, thúc đẩy việc thành lập Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), lao động người Việt tại Ukraine, Libya...

Thúc đẩy sớm thành lập COC

Trả lời phóng viên Báo An ninh Thủ đô về việc đoàn Việt Nam sẽ có đề xuất gì để thúc đẩy việc ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong Diễn đàn An ninh Khu vực - ARF lần này vào ngày 10-8 tới tại Myanmar, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn cố tình trì hoãn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định, Việt Nam sẽ có những đóng góp thiết thực vào việc tăng cường vai trò của ARF trong đối thoại và hợp tác xây dựng lòng tin ở khu vực, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp ngoại giao phòng ngừa, đồng thời tăng cường hợp tác, ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên cơ sở các nguyên tắc cũng như các thể thức đã được thỏa thuận. Việt Nam chia sẻ quan điểm chung của ASEAN, là sớm có bộ quy tắc ứng xử chung COC có tính tổng thể, ràng buộc nhằm đảm bảo ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước về Luật Biển năm 1982. 

Về việc gần 9.000 tàu cá Trung Quốc trở lại Biển Đông sau hơn 2 tháng tạm dừng vì lệnh cấm đánh bắt mà chính quyền nước này đưa ra, ông Lê Hải Bình khẳng định, quan điểm nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động của các bên trên Biển Đông cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là công ước Luật Biển 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển.

Liên quan đến việc Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ, ông John     McCain thăm Việt Nam, ông Lê Hải Bình cho biết, từ ngày 7 đến 10-8, đoàn Thượng nghị sỹ John McCain và Sheldon WhiteHouse cùng các cố vấn sẽ thăm và làm việc tại Việt Nam. Chuyến thăm nhằm mục đích trao đổi những vấn đề trong quan hệ song phương, cũng như vấn đề hai nước cùng quan tâm. 

Duy trì mọi nỗ lực bảo vệ người Việt ở nước ngoài

Trước tình hình căng thẳng tại miền đông Ukraine, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine liên hệ, quản lý, có hình thức liên lạc chặt chẽ đối với cộng đồng người Việt tại Ukraine, đề nghị các cơ quan chức năng ở nước này đảm bảo an toàn cho cộng đồng người Việt tại đây. Ngoài ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine vẫn đang duy trì mọi nỗ lực trong công tác bảo hộ công dân, đặc biệt trong bối cảnh tình hình miền đông Ukraine vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Về vấn đề người lao động Việt Nam tại Libya. Ông Lê Hải Bình cho biết, đến ngày 7-8, 246 lao động Việt Nam rời khỏi Libya. Hiện Bộ Ngoại giao, Bộ LĐ-TB&XH cùng các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Libya, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Algeria, đang phối hợp với các công ty phái cử, cũng như công ty sử dụng người lao động Việt Nam tại Libya triển khai tích cực các phương án bảo đảm an toàn cho người lao động Việt Nam tại Libya. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Thái Lan và Philippines tại Việt Nam để đề nghị 2 nước này cùng phối hợp hỗ trợ trong việc đưa công dân Việt Nam ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Algeria cũng đang làm việc tích cực với cơ quan chức năng của các nước này để tạo điều kiện thuận lợi cho số lao động Việt Nam quá cảnh qua các nước này có thể về nước.

Trước thông tin có hơn 110 lao động người Việt quê Yên Thủy, Hòa Bình tại Trung Quốc bị cảnh sát nước này bắt giữ vì cho rằng là lao động trái phép, ông Lê Hải Bình cho biết Bộ Ngoại giao sẽ xác minh thông tin này một cách tích cực và sớm nhất có thể. Nếu có việc này xảy ra thì Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan đề nghị phía Trung Quốc có các biện pháp phù hợp.