Phải soi vào mắt trẻ

ANTD.VN - Vậy là từ ngày 1-6, đúng vào ngày Quốc tế thiếu nhi, Luật Trẻ em của Việt Nam đi vào cuộc sống, ông ạ!

- Thật là có ý nghĩa xã hội sâu sắc khi không ít trẻ em nước ta đang là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục...

- Đó là vấn đề thời sự nóng gây bức xúc xã hội, nhưng riêng tôi suy ngẫm về một chuyện sâu xa hơn, đó là cách chúng ta dạy con xưa nay.

- Ông nghĩ thâm thúy quá, tôi vốn nông cạn, chỉ thấy trước mắt. Vậy theo ông, cách dạy của ta cổ hủ, lỗi thời sao?

- Tôi không dám cao ngạo, phán xét chỉ xin dẫn chứng thế này. Lâu nay khi dạy con, cha mẹ luôn mong muốn con mình khôn ngoan, hiếu thảo, lễ phép.

- Những chuẩn mực ấy thời nay vẫn “chuẩn không cần chỉnh” đấy chứ.

- Ở đây tôi chỉ xin bàn về cái sự “khôn ngoan” thôi. Khôn tức là “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”, rồi “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, không gây sự với ai, cũng chẳng làm mất lòng ai.

- Ngẫm ra đúng là dở thật, ông nhỉ.

- Điều dở nhất là dạy trẻ dửng dưng với những gì xảy ra quanh mình, sợ vạ lây, liên lụy...

- Những chuyện bạo lực trong nhà trường, rồi ngoài đường quả là hậu quả của cái sự “khôn ngoan” đó.

- Theo tôi, đã đến lúc người lớn phải soi vào mắt trẻ để nhìn lại cách dạy con cháu. Trẻ thiếu rất nhiều kỹ năng sống, nhất là phòng thân đâu chỉ đổ lỗi cho nhà trường.