Đưa nghệ thuật truyền thống vào tour du lịch:

Phải quảng bá mới “đắt hàng”

ANTĐ - Biến nghệ thuật truyền thống trở thành “hàng hóa” rồi cũng mời chào và quảng cáo, bán cho các công ty du lịch lữ hành, phục vụ khách nước ngoài… Đó là một trong những xu hướng mới vừa xuất hiện tại các nhà hát trên địa bàn Hà Nội.

Cho dù bù lỗ nhưng các nhà hát vẫn duy trì việc biểu diễn phục vụ khán giả trong và ngoài nước

“Hàng” không bán được

Con đường khai thác nghệ thuật truyền thống dựa trên các tour du lịch là con đường tất yếu mà nhà hát nào cũng hướng và nghĩ tới trong bài toán khó về bảo tồn và phát huy vốn quý của dân tộc. Múa rối nước là loại hình tiên phong trong việc đưa nghệ thuật truyền thống vào khai thác du lịch. Sau 20 năm bán vé phục vụ du lịch, múa rối luôn là loại hình nghệ thuật truyền thống được du khách nước ngoài lựa chọn đầu tiên và giờ đã trở thành một thương hiệu có tiếng. Không khó gì để nhìn thấy 2 nhà hát múa rối của Thủ đô là Nhà hát Múa rối Thăng Long và Nhà hát Múa rối Việt Nam luôn “đỏ đèn”. Vì thế, đi sau múa rối, các loại hình khác như chèo, tuồng, cải lương… đã vấp không ít khó khăn bởi ngoài những khó khăn mang tính chủ quan khi phía trước là cái “bóng” quá lớn của múa rối.

Khó những vẫn cứ phải đi. Bởi không còn sự lựa chọn nào khác, buộc phải dấn thân để vừa bảo tồn vừa phát huy bản sắc văn hóa của từng loại hình. Không biểu diễn, không phục vụ khán giả thì các nhà hát không thể sống mãi mà bảo tồn trong tình cảnh “thóc cao gạo kém” như hiện nay. Dù được Nhà nước bao cấp 100% nhưng “bầu sữa mẹ” xưa nay vốn eo hẹp.  Đời sống của các nhà hát truyền thống đối mặt với nhiều khó khăn. Vì thế, tìm hướng đi mới bằng việc bán buổi biểu diễn cho tour du lịch nước ngoài được kỳ vọng sẽ mở ra nguồn thu bổ sung cho các nhà hát. Hơn thế, nếu làm tốt được công việc này, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam sẽ theo chân các du khách nước ngoài ra thế giới, và những nét đẹp của các bộ môn như chèo, tuồng, cải lương, múa rối nước sẽ được quảng bá sâu rộng tới bạn bè quốc tế.

Lỗ cũng diễn

Nói là vậy nhưng khi đưa vào thực tế, “hàng hóa” được các nhà hát chào bán chưa thực sự hút khách. Lượng khách quốc tế đến với từng đêm diễn còn quá ít ỏi. 2 năm qua, sân khấu nhỏ của Nhà hát Chèo Việt Nam luôn trong tình trạng trống vắng, khách Việt lại đông hơn khách ngoại. Mỗi đêm diễn chỉ có từ 3 đến 4 vị khách nước ngoài đến thưởng thức trong tổng số 80 ghế. Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng không khá khẩm hơn là bao.

Cho dù mới đưa vào khai thác trong các tour du lịch, biểu diễn tại rạp Hồng Hà vào buổi tối các ngày thứ 5 và thứ 6 hàng tuần nhưng loại hình nghệ thuật này cũng lúng túng và đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề chào hàng. Và tất nhiên, khi hàng không bán được mà nhà hát vẫn phải duy trì hoạt động biểu diễn thì việc bù lỗ là điều tất yếu. Mỗi đêm diễn, trung bình mỗi nhà hát phải bù lỗ khoảng vài triệu đồng và nguồn kinh phí này phần lớn được lấy từ nguồn ngân sách biểu diễn và nhiều nguồn thu khác của nhà hát. 

Cho dù, “món hàng” mà các nhà hát chào bán đã được nghiên cứu kỹ lưỡng tâm lý thị hiếu của khách nước ngoài và chất lượng đã được đảm bảo bản sắc và dễ thưởng thức nhưng ế vẫn… hoàn ế. Cất công tìm hiểu, nhiều nhà hát mới ngã ngửa rằng, mình yếu khâu quảng bá. Hóa ra, đội ngũ làm marketing am hiểu về nghệ thuật của Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn những người am hiểu về nghệ thuật tại các nhà hát lại xem chuyện PR, quảng bá rất xa lạ. Nguồn cơn của chuyện này cũng bởi cơ chế bao cấp đã in hằn trong tiềm thức của những nhà làm nghệ thuật và vì thế, mới có chuyện có người bán tín bán nghi về sự thành công của dự án bán các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống cho tour du lịch nước ngoài vào Việt Nam.

Việc mở ra một cánh cửa mới trong biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam là điều bắt buộc mỗi nhà hát phải làm và làm cho tới cùng. Từ định hướng đã được vạch định thì mỗi nhà hát đều hiểu rằng, việc đào tạo nguồn nhân lực làm marketing chuyên nghiệp phải là việc cần làm ngay. Và cho dù chưa thu được nhiều hiệu quả như mong muốn, nhưng việc các nhà hát trên địa bàn Thủ đô đồng loạt mở tour khai thác du lịch đã cho thấy một cách làm mới, một sự thay đổi tư duy làm nghệ thuật của các nhà quản lý.