Phải quan tâm đến việc giáo dục giới tính, phòng ngừa xâm hại trẻ em

ANTD.VN -  Ngày 1-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2018 -2020.  

ĐBQH Nguyễn Thị Thỷ - tỉnh Bắc Kạn phát biểu ý kiến

Mở đầu phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) đề cập đến một số vụ việc loạn luân như cha dượng xâm hại con riêng của vợ, hay cả cha đẻ và ông nội cùng xâm hại trẻ, thầy giáo và bảo vệ nhà trường cùng xâm hại nhiều học sinh trong một thời gian dài…

Chỉ đến khi các cháu quá sợ hãi thì sự việc mới bị phát hiện. Sự việc nghiêm trọng như vậy nhưng sau khi xảy ra lại có dấu hiệu bỏ qua, bỏ lọt, rất khó khăn cho quá trình chứng minh tội phạm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ cho rằng, chúng ta cần quan tâm và làm rõ một số vấn đề như: Gia đình phải là "hàng rào" đầu tiên bảo vệ các em. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy, chúng ta vẫn chủ yếu quan tâm đến con cái theo cách truyền thống, chưa quan tâm nhiều đến việc trang bị cho trẻ kiến thức cần thiết để trẻ tự bảo vệ mình trước các nguy cơ xâm hại, nhất là khu vực miền núi và nông thôn.

Có những vụ việc sau khi xảy ra gia đình không muốn báo với cơ quan chức năng, cam chịu bỏ qua, chấp nhận hậu quả về tinh thần. Có những vụ gia đình quyết tâm đưa vụ việc ra ánh sáng nhưng do thiếu hiểu biết dẫn tới làm mất đi những chứng cứ ban đầu để chứng minh tội phạm. Không đưa được kẻ phạm tội ra pháp luật, nhiều gia đình chọn cách chuyển nhà, chuyển trường để hạn chế bớt tác động tới trẻ còn kẻ phạm tội thì vẫn bình thản sống ngoài xã hội và tiếp tục là mối nguy cơ với trẻ khác.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục giới tính trong nhà trường còn nhiều hạn chế, chưa cập nhật tình hình. Sách giáo khoa có rất ít nội dung này, còn trong thực tế, nhiều giáo viên có tâm lý e ngại nên chỉ truyền đạt vấn đề một cách chung nhất.

“Trong khi đó nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… đã đưa giáo dục sức khỏe thành môn học bắt buộc trong trường, với nhiều bài về tội phạm, xâm phạm tình dục trẻ em, có các tình huống, hình vẽ minh họa, giúp các em nhận biết và ứng phó trước các nguy cơ. Sau mỗi bài học lại có phần thực hành để khuyến khích các em nói ra những nhận xét của mình hoặc ghi ra giấy các tình huống nguy hiểm mà mình đã trải qua”, ĐB Nguyễn Thị Thuỷ nêu.

Theo đại biểu, đã đến lúc nền giáo dục phải quan tâm đến nội dung này, giáo dục giới tính, phòng ngừa xâm hại phải trở thành những bài học bổ ích và có tính bắt buộc quy mô quốc gia, chứ không phải mạnh trường nào thì trường ấy làm, ở thành phố có điều kiện thì đầu tư nhiều còn vùng khó khăn thì ít quan tâm.

Một trong những nguyên nhân khác để tình trạng trên diễn ra trong thời gian dài là quá trình chứng minh các vụ án này gặp nhiều khó khăn. Nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung, do đó nếu không có  chứng cứ hoặc chứng cứ yếu thì các cơ quan tố tụng không thể khởi tố, truy tố, kết tội. Trong khi đó, các vụ xâm hại trẻ em lại thường xảy ra ở những hoàn cảnh ít khi có nhân chứng, nạn nhân còn quá nhỏ, chưa nhận thức được đầy đủ vụ việc, hoặc do hoảng sợ nên khai báo không chi tiết.

Luật Giám định tư pháp không có quy định dành riêng cho loại án này, mà áp dụng chung như với các vụ án khác. Gia đình người bị hại lại chỉ có quyền trưng cầu giám định nếu  sau 7 ngày mà cơ quan tố tụng từ chối trưng cầu, nên khó có thể lưu giữ chứng cứ. Trong khi đó, với các vụ án xâm hại trẻ em, càng kéo dài càng tổn thương cho trẻ, khả năng chứng minh, phá án càng có khó khăn mới.

Từ những ý kiến nêu trên, ĐB Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Quốc hội sửa Luật giám định tư pháp theo hướng gia đình nạn nhân được tự trưng cầu giám  định ngay sau khi sự việc xảy ra. Trong thời gian tới, nhất thiết phải có thêm những hành động cụ thể từ các cơ quan để cải thiện tình hình…