Phải phát huy được quyền của chủ sở hữu Nhà nước
(ANTĐ) - Trực tiếp tham gia soạn thảo Nghị định về tập đoàn kinh tế (TĐKT) Nhà nước, ông Trần Tiến Cường - Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ KH&ĐT đã trao đổi với Báo An ninh Thủ đô xung quanh vấn đề này.
- Xin ông cho biết, Ban soạn thảo đã căn cứ vào tiêu chí nào để đưa ra danh mục 21 ngành nghề kinh doanh chính của các TĐKT Nhà nước?
- Ông Trần Tiến Cường: Đây mới chỉ là dự thảo. Một vài tiêu chí để xác định danh mục này, chúng tôi đang xây dựng. Dự kiến, trước hết đó phải là những ngành nghề mà 8 TĐKT thí điểm đang hoạt động.
Kế đến, đó phải là những ngành nghề quan trọng, mang tính chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là những lĩnh vực an ninh kinh tế quốc gia. Chúng tôi cũng đang xem xét tới cả ngành nghề có hướng phát triển lớn, có khả năng cạnh tranh và lôi cuốn các ngành nghề khác cùng phát triển.
- Nhiều TĐ cho rằng, Nghị định này chỉ nhằm siết chặt quản lý DN chứ không tạo điều kiện cho DN phát triển?
- Ông Trần Tiến Cường: Nghị định này hoàn toàn không kiềm chế DN hoạt động. Thực chất, Nghị định nhằm hướng dẫn, cụ thể hóa quyền chủ sở hữu Nhà nước đối với các DN theo đúng quy định của pháp luật. Những vấn đề như ai là người đại diện chủ sở hữu Nhà nước, quyền của chủ sở hữu Nhà nước ra sao phải làm rõ.
Những việc như hợp đồng kinh tế, hợp đồng sử dụng thương hiệu, liên quan đến thẩm quyền của các DN thì DN vẫn tự quyết định nhưng chủ sở hữu Nhà nước sẽ thực hiện giám sát chuyện đó.
Trước đây, quyền của chủ sở hữu Nhà nước đều đã có quy định trong pháp luật nhưng chúng ta chưa có hướng dẫn cụ thể và hầu như chưa thực hiện.
Nghị định ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý cụ thể cho các TĐ thí điểm có cơ sở để vận dụng và thực hiện quyền chủ sở hữu Nhà nước tại DN của mình, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chủ sở hữu Nhà nước.
- Ông có ý kiến gì khi các tập đoàn cho rằng, họ có quyền đầu tư vào bất cứ lĩnh vực gì mà Nhà nước không cấm và không vi phạm pháp luật?
- Ông Trần Tiến Cường: Theo tôi, việc giới hạn đầu tư ra ngành ngoài ở đây không có gì mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp. Một pháp nhân theo Luật Doanh nghiệp được đăng ký kinh doanh những gì mà Nhà nước không cấm.
Nhưng, phải hiểu, ở đây là các TĐKT chủ chốt của Nhà nước thì vai trò chủ sở hữu Nhà nước phải được thể hiện trong việc quyết định những ngành nghề kinh doanh chính mà pháp luật quy định. Chúng tôi sẽ rà soát thêm về vấn đề này.
Sau Nghị định, sẽ có cải thiện rõ ràng hơn trong các quan niệm quyền của TĐ, của DN như thế nào? Quan niệm về ngành nghề chính, ngành nghề liên quan như thế nào? Về quản lý, điều hành nội bộ TĐ ra sao? Thẩm quyền của chủ sỡ hữu Nhà nước? Chắc chắn, mọi hoạt động của TĐ sẽ hiệu quả, minh bạch hơn.
Sau khi CPH hoàn thành vào năm 2010, tôi cho rằng, cần thêm 1 văn bản pháp luật khác để hướng dẫn lại những quyền của chủ sở hữu Nhà nước hiện đang nằm rải rác tại các văn bản pháp luật, đảm bảo làm sao cho các DN sử dụng đồng vốn của Nhà nước có hiệu quả.
Băng Dương (Thực hiện)