Phải nêu rõ địa chỉ trách nhiệm khi có sự cố

ANTĐ - Chiều 15-11, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa. Cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014.

Minh bạch, đơn giản thủ tục

Đánh giá Dự luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) cho biết, dự luật có tiếp thu thông lệ quốc tế song vẫn đảm bảo yêu cầu giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Dù vậy, ĐB Đỗ Kim Tuyến đề nghị Chính phủ rà soát kỹ để tránh trùng lặp, chồng chéo hay mâu thuẫn với các luật chuyên ngành khác. ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cũng thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cũng như nhiều nội dung quan trọng của dự luật, đặc biệt là yêu cầu từng bước hiện đại hóa công tác quản lý xuất nhập cảnh, tạo sự phối hợp thông suốt giữa các cơ quan chức năng trong vấn đề này.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) kiến nghị, cần quy định rõ hơn về xuất nhập cảnh của người Việt Nam mang hai quốc tịch để tránh những rắc rối pháp lý đã từng xảy ra trong thực tế. Ông kiến nghị bổ sung quy định về xuất nhập cảnh trong trường hợp trục xuất, dẫn độ hay chuyển giao người phạm tội, người vi phạm pháp luật. Trong khi đó, ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) đề nghị bổ sung diện cấm nhập cảnh là “đối tượng có lệnh truy nã của Interpol”. 

Chưa rõ địa chỉ trách nhiệm

Về Dự luật Giao thông đường thủy nội địa, ĐB Đỗ Kim Tuyến cho rằng, còn rất nhiều vấn đề cần thảo luận kỹ hơn. “Có quá nhiều điểm giao cho Chính phủ quy định. Có những điểm đưa vào luật như cho có mà chưa tính tới yếu tố khả thi. Tôi có cảm giác dự luật chưa được xem xét kỹ lưỡng...”. Cảm thấy rất bất an với tình trạng các phương tiện vận tải đường thủy thường chở vượt quá nhiều lần số người theo quy định, nhưng không trang bị áo phao, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị: “Phải ghi rõ vào luật quy định bắt buộc trang bị áo phao đối với chủ tàu cũng như buộc hành khách phải mặc áo phao khi lên tàu, thuyền”.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc phân định trách nhiệm giữa ngành giao thông vận tải với chính quyền các cấp trong dự luật “chưa thật rõ ràng”. ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) nói: “Điển hình là vụ tai nạn chìm ca nô gây chết người ở Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) rất khó quy trách nhiệm cụ thể”. Không đánh giá cao dự luật, ĐB Nguyễn Đình Quyền cho rằng, phải quy tới cùng trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện giao thông đường thủy. “Họ có thể cho mượn, cho thuê, rồi người thuê, mượn mới gây tai nạn. Nhiều khi thiệt hại rất lớn mà ông lái tàu thì có tài sản nào đâu để bồi thường. Thế nên, phải quy rõ trách nhiệm cho người chủ phương tiện thì mới có cơ sở giải quyết”.

ĐB Nguyễn Đình Quyền cũng cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, theo ngành và UBND các cấp. “Vừa rồi, khi xảy ra vụ Cát Tường (vụ bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường phẫu thuật hút mỡ bụng, nâng ngực làm chết bệnh nhân tại Thẩm mỹ viện Cát Tường – quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - PV), chúng ta cứ phải loay hoay tìm xem trách nhiệm thuộc về ai. Do đó, rút kinh nghiệm, các dự luật sau này đều phải nêu rất rõ, để khi có sự việc xảy ra, sẽ có ngay địa chỉ trách nhiệm chứ không phải mò mẫm, tìm kiếm nữa...”.