Phải nặng tay hơn

ANTĐ - Thông tin về một nam thanh niên bị bắt cóc, bọn tội phạm yêu cầu gia đình “con tin” phải chi cho chúng 30 triệu đồng, đổi lại sự bình yên của con trai họ, lực lượng công an đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, truy xét tới nhiều tỉnh, thành phố để tìm manh mối người bị hại. 

Kết quả là kẻ bị “bắt cóc” tự dựng lên màn kịch này, hòng đánh lừa cha mẹ để kiếm tiền trả nợ các cuộc ăn chơi… Tương tự, công an một quận ven đô cũng nhận được thông tin về vụ mất tích bí ẩn của một cô gái. Gia đình người bị hại nhận được cú điện thoại từ đối tượng lạ, yêu cầu phải đưa ngay một khoản tiền để đổi lấy sự tự do của con gái họ. Một lần nữa, lực lượng công an lại nhập cuộc điều tra tích cực, mất nhiều công sức và tiền bạc để vén màn bí ẩn của vụ việc. Sau một thời gian điều tra, cơ quan công an nhận được kết quả đây chỉ là một vụ hoang báo. Sự thật là cô gái kia cần gia đình chi cho một khoản tiền để lấy vốn làm ăn, nhưng không được đáp ứng nên đã dựng lên vở kịch bị bắt cóc để moi tiền của bố mẹ.

Sau khi nhận được thông tin trình báo bất cứ một vụ việc gì liên quan đến ANTT, lực lượng công an phải tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, nhân chứng, lấy lời khai của phía bị hại và thông báo cho các đơn vị liên quan phối hợp rà soát, truy tìm đối tượng nghi vấn. Trong nhiều vụ mang tính chất hoang báo, người “bị hại” dựng lên màn kịch rất tinh vi, làm cho việc điều tra của cơ quan công an gặp khó khăn và mất nhiều thời gian. Khi cơ quan công an đã thu thập được đầy đủ chứng cứ và làm rõ sự thật, đến lúc đó người được coi là bị hại mới thú nhận tội hoang báo.

Những trường hợp thông tin sai sự thật đều bị cơ quan công an lập biên bản xử lý về hành vi “Báo thông tin giả đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”. Tuy nhiên, chế tài xử lý hành vi này còn quá nhẹ, không đủ sức giáo dục, răn đe. Tại điểm b, khoản 2, điều 7, chương II, Nghị định 150/2005/NĐ-CP (ngày 12-12-2005) của Chính phủ, quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội: Phạt tiền từ 200 - 500 nghìn đồng đối với trường hợp báo thông tin giả đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Với mức phạt như vậy, không đủ sức răn đe và đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc hoang báo thông tin ngày càng nhiều. Cần phải nặng tay xử lý hành vi hoang báo bằng những chế tài đủ mạnh, để răn đe các trường hợp cố tình báo thông tin giả đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.