Phải mạnh mẽ hơn trong bảo vệ chủ quyền biển đảo

ANTĐ - Trao đổi với phóng viên ANTĐ, ông Nguyễn Anh Sơn (Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Nam Định) đã có nhiều chia sẻ tâm huyết, thẳng thắn xung quanh những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như đánh giá vai trò của Hội đồng quốc phòng - an ninh trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Phải mạnh mẽ hơn  trong bảo vệ chủ quyền biển đảo ảnh 1

 - PV: Ông nhìn nhận thế nào về việc thời gian qua, Trung Quốc liên tục có những hành động được cho là phục vụ mục đích quân sự hóa Biển Đông?

- ĐB Nguyễn Anh Sơn: Việc Trung Quốc cải tạo trái phép các đảo chìm thuộc chủ quyền Việt Nam thành đảo nổi và căn cứ quân sự, đặc biệt là chỉ trong vòng 2 tháng qua, Trung Quốc liên tiếp đưa tên lửa đất đối không vào đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa), đưa vào hoạt động trạm hải đăng trên đá Subi (thuộc quần đảoTrường Sa) hay đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đang phân định với Việt Nam... cho thấy sự ngang ngược, âm mưu và tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. 

Đáng nói, những việc làm đó của Trung Quốc đều gắn với những sự kiện như kỷ niệm năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, hay dịp lãnh đạo hai nước đến thăm và làm việc với nhau. Điều này cho thấy Trung Quốc không thiện chí, không thể hiện tinh thần cốt lõi của thỏa thuận quan điểm giữa Đảng, lãnh đạo hai nước.

Phải mạnh mẽ hơn  trong bảo vệ chủ quyền biển đảo ảnh 2

Hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: AMTI)

- Quốc hội là cơ quan cao nhất đại diện cho tiếng nói, mong muốn của cử tri, nhân dân. Theo ông, vai trò của Quốc hội trong các vấn đề nóng bỏng trên Biển Đông được thể hiện như thế nào trong thời gian qua?

- Tại nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội nói chung và nhiều đại biểu đã có những bài phát biểu, đề nghị với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trong tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo, đặc biệt là những dịp Trung Quốc có những hành động làm gia tăng căng thẳng, phức tạp hơn tình hình trên Biển Đông.

Cũng tại nhiệm kỳ này, Quốc hội đã nhiều lần dành thời gian nghe Chính phủ báo cáo những diễn biến phức tạp trên Biển Đông để đại biểu nắm bắt thông tin. Tuy nhiên, tôi cũng như nhiều đại biểu khác thấy rằng cử tri vẫn còn băn khoăn. Có những lúc chúng ta chưa nói rõ, nói hết được tâm tư, nguyện vọng của cử tri trong bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. 

Quốc hội đã có tiếng nói trên diễn đàn Quốc hội khá đanh thép, thể hiện quyết tâm và có một số việc làm khá cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, nguyện vọng của cử tri thì nhiều hơn thế. Theo tôi biết, Quốc hội nước ngoài còn ra Nghị quyết về Biển Đông, Trung Quốc cũng thảo luận về Biển Đông trong kỳ họp Quốc hội của họ, vậy tại sao Việt Nam chúng ta không làm? Ở đây tôi muốn nói, nếu theo nguyện vọng, mong muốn cháy bỏng của cử tri cả nước thì Quốc hội chưa đáp ứng tới mức đó. Tôi nghĩ đây là một phần hạn chế của Quốc hội trong khóa XIII.

- Ông có kiến nghị và kỳ vọng gì vào Hội đồng quốc phòng - an ninh, với những nhân sự mới mà Quốc hội vừa tiến hành bầu?

- Chúng tôi rất mong, những đồng chí vừa được Quốc hội bầu làm thành viên Hội đồng quốc phòng - an ninh sẽ tỏ rõ hơn chí khí, quyết tâm của dân tộc Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Cùng với Đảng, Nhà nước, Hội đồng quốc phòng - an ninh sẽ trở thành nhân tố quan trọng để hoạch định, đưa ra những quyết sách phù hợp, mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn, đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân.

- Xin cảm ơn ông!