Phải làm rõ trách nhiệm của người lớn

ANTĐ - Trước hàng loạt các vụ việc nghiêm trọng về bạo lực trong trường học, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng để ngăn chặn cần phải có giải pháp từ nhiều phía, trong đó phải quy rõ trách nhiệm của hiệu trưởng, giáo viên, cha mẹ cũng như các tổ chức xã hội, đoàn thể...

Phải làm rõ trách nhiệm của người lớn ảnh 1

- PV: Ông có đồng tình trước ý kiến cho rằng hình thức kỷ luật của nhà trường còn chưa nghiêm khiến các vụ bạo lực trong trường học gia tăng?

- Ông Nguyễn Hiệp Thống: Tôi cho rằng hình thức kỷ luật trong trường học nhằm răn đe các hành vi vi phạm của học sinh là cần thiết nhưng không thể khắt khe đến mức đuổi học với những hành vi chưa cấu thành tội phạm. Vụ việc ở Trà Vinh chẳng hạn. Sự việc xảy ra nghiêm trọng nhưng các cháu đều còn nhỏ, nhận thức chưa đầy đủ, nếu đuổi học chắc chắn sẽ đẩy các cháu vào những môi trường xấu, gây thêm tổn hại cho xã hội. Hơn nữa hình thức kỷ luật chỉ là một giải pháp, không thể ngăn chặn triệt để các vụ bạo lực trong học đường.

- Là nhà quản lý giáo dục, theo ông, để những sự việc này xảy ra thì trách nhiệm nên quy cho ai?

- Trước tiên tôi hoàn toàn đồng tình với hình thức xử lý kỷ luật đình chỉ hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm… của trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh). Sự việc xảy ra trong nhà trường mà hơn 2 tháng không ai biết gì thì đó là lỗi của các thầy cô. Còn vụ ẩu đả của học sinh trường THCS Phúc Diễn, trách nhiệm của nhà trường là điều đầu tiên phải xem xét nhưng ở đây còn phải kể đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội bởi vụ đánh nhau diễn ra ngoài nhà trường. Hàng chục học sinh đánh nhau nhưng không có sự can thiệp của người lớn là điều không thể để xảy ra. Tôi cho rằng khi đã làm rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể để ai cũng có ý thức trong chức trách của mình thì các hành vi vi phạm của các em sẽ dần dần bị loại bỏ.

Phải làm rõ trách nhiệm của người lớn ảnh 2Cần sự vào cuộc quyết liệt của cả gia đình và nhà trường để trường học thật sự là môi trường không bạo lực

- Với hàng loạt các vụ việc đáng tiếc Sở GD-ĐT Hà Nội có đưa ra những biện pháp gì để ngăn chặn một cách có hiệu quả?

- Việc học sinh đánh nhau trước nay vẫn xảy ra bởi tâm lý lứa tuổi nghịch ngợm, thiếu suy nghĩ nhưng phải thừa nhận rằng những vụ việc gần đây phản ánh tính chất nghiêm trọng của bạo lực trong trường học. Tôi cho rằng điều này là những lời cảnh báo rõ rệt về giáo dục đạo đức trong nhà trường. Trước mắt, Hà Nội sẽ tập trung vào tuyên truyền, phổ biến các nội dung phòng chống hành vi bạo lực cho học sinh. Công tác tư vấn tâm lý, phát hiện sớm để giải quyết các mâu thuẫn của học sinh cũng là điều chúng tôi đang đề xuất để có được quy định chính thống cho hoạt động này. Tôi cũng thường xuyên yêu cầu các trường thực hiện quy chế dân chủ, bắt buộc phải có hòm thư góp ý để nhận và giải quyết kịp thời những vướng mắc từ học sinh, phụ huynh, giáo viên…