Phải làm nhanh... như điện

ANTĐ - Mặc dù chỉ mới xuất hiện vài năm gần đây, nhưng xe máy điện đã gia tăng rất lớn về số lượng; “đua chen” cùng ô tô con, taxi, xe buýt, xe máy… vốn đã dày đặc trên hệ thống đường sá chật hẹp của các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM. 

Không thể phủ nhận phương tiện giao thông cơ động này đã góp phần giải quyết một phần nhu cầu đi lại của người dân, song nó cũng “đóng góp” không nhỏ vào tình trạng ùn tắc giao thông đô thị. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo cần có biện pháp quản lý chặt xe máy điện như với mọi phương tiện giao thông khác. Vì vậy, bắt đầu từ ngày 6-12 tới, dự kiến các loại xe máy điện sẽ phải đăng kiểm, đăng ký biển số.

Có thể tạm phân loại 2 nhóm đối tượng sử dụng xe máy điện phổ biến nhất hiện nay. Nhóm 1 là bộ phận nhỏ người có tuổi, trung niên, phần còn lại là đa số thanh thiếu niên, học sinh trung học. Chính nhóm 2 là đối tượng gây ra nhiều rắc rối, phức tạp, kể cả những hệ lụy đáng tiếc khiến người tham gia giao thông luôn cảm thấy bất an. Bất kỳ ai đi trên đường đều thừa nhận, không ít lần đã từng giật mình, thậm chí “rùng mình” vì những cô cậu học sinh đèo 2, đèo 3 trên những chiếc xe “3 không” (không tiếng động, không còi, không đèn) vụt sát ngay bên cạnh.

Giữa dòng xe cộ ken chặt trên đường, xe máy điện trổ tài luồn lách đến chóng mặt, hoa mắt. Chỉ lướt qua một vài hình ảnh “tiêu biểu” đó cũng cho thấy, sự quản lý lỏng lẻo phương tiện này là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc lớp trẻ ngày càng coi thường luật  giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Dù cơ quan chức năng đã có lần vào cuộc chấn chỉnh, song tình hình vẫn chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, hiệu quả hầu như bằng không, nếu chưa nói là “thả rông” cho xe máy điện.

Với quy định mới buộc phương tiện này phải qua đăng kiểm, nhất là phải có đăng ký biển số xe như xe máy, ô tô là giải pháp tối ưu và cấp bách trước mắt cho dù hơi muộn. Có biển số xe, tức là người chủ phương tiện phải có trách nhiệm pháp lý, không thể tùy tiện lưu thông một cách “tự do”, bất chấp luật lệ. Mặt khác, việc đăng ký bắt buộc này còn góp phần nâng cao ý thức người chủ phương tiện khi tham gia giao thông.

Chắc chắn dư luận xã hội, trong đó có những người đang sử dụng xe máy điện đều đồng tình hưởng ứng chủ trương hợp lý, hợp tình này. Điều họ mong muốn là cơ quan quản lý cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân khi đi đăng ký. Thông thoáng thủ tục hành chính, nhanh gọn và hiệu quả chẳng những giúp người dân thoải mái, hài lòng mà còn giúp chính cơ quan quản lý hoàn thành mục tiêu của mình. Rõ ràng, việc đăng ký biển số xe máy điện mang lại lợi ích cho cả hai phía và nhìn rộng ra là lợi ích cho cả giao thông đô thị. Bởi thế, siết lại việc quản lý xe máy điện đòi hỏi phải làm nhanh... như điện.