Phải làm gì khi hàng xóm gây tranh chấp, không ký giáp ranh, cản trở làm sổ đỏ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua, không ít cá nhân, hộ gia đình gặp khó khăn khi làm sổ đỏ do hàng xóm không ký giáp ranh hoặc gây tranh chấp. Vậy theo quy định mới nhất, người dân cần phải làm gì trong trường hợp này?

Khoản 1 Điều 26 Luật Đất đai 2024 quy định, người sử dụng đất có quyền là được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi có đủ điều kiện được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, không ai có quyền cản trở.

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 19 Nghị định 101/2024/NĐ-CP cũng nêu rõ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan giải quyết thủ tục sẽ từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận khi có một trong các căn cứ:

Không thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ hoặc hồ sơ không đầy đủ thành phần hoặc không đảm bảo tính thống nhất nội dung thông tin giữa các giấy tờ hoặc kê khai nội dung không đầy đủ thông tin theo quy định;

Nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thuộc đối tượng phải thi hành án theo quy định của pháp luật;

Nhận được văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án; Nhận được văn bản của UBND cấp xã hoặc của UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh; Của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đã thụ lý đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai hoặc đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất;

Nhận được văn bản của TAND có thẩm quyền về việc đã thụ lý đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất;

Nhận được văn bản của Trọng tài Thương mại Việt Nam về việc thụ lý đơn giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất;

Nhận được văn bản yêu cầu dừng thực hiện thủ tục hành chính về đất đai để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan có thẩm quyền…

Như vậy, dù trên thực tế có tranh chấp hay hàng xóm cố ý không ký giáp ranh nhưng nếu không có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai thì cơ quan nhà nước vẫn tiếp nhận hồ sơ bình thường.

Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, theo khoản 3 Điều 236 Luật Đất đai 2024: Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết. Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện mà các bên tranh chấp không khởi kiện hoặc khiếu nại theo quy định tại điểm này thì quyết định giải quyết tranh chấp của Chủ tịch UBND cấp huyện có hiệu lực thi hành.”

Mặt khác, theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, người đề nghị cấp sổ đỏ là người sử dụng đất thực tế thông qua các hình thức như nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, được Nhà nước giao, cho thuê…đất vẫn có quyền khởi kiện người có hành vi cản trở quyền đề nghị cấp sổ đỏ.