Phải làm gì khi chồng cũ cấm không cho gặp con?

ANTD.VN - Vợ chồng tôi có 1 con gái 5 tuổi, chúng tôi đã ly hôn được 9 tháng. Do tôi thường xuyên phải đi công tác xa nhà nên chúng tôi đã thỏa thuận để con cho chồng tôi nuôi, cuối tuần tôi được phép đón con về ở chung, hai mẹ con có thể liên lạc hàng ngày. Tuy vậy, gần đây chồng tôi đã cố tình ngăn cách 2 mẹ con, không cho bé nghe điện thoại, không cho tôi đón con, thậm chí còn có hành vi đánh đập khi con tôi đòi mẹ. Xin luật sư cho biết, việc làm này của anh ta có trái quy định không, tôi phải làm thế nào để được gặp con mình? Vũ Thùy Trang (Hải Phòng)

Phải làm gì khi chồng cũ cấm không cho gặp con? ảnh 1Luật sư Hoàng Huy Được (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Trả lời: 

Điều 81 - Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.

Luật này cũng nêu rõ, cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình. Tuy nhiên, điều luật cũng quy định cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Để đảm bảo quyền lợi mọi mặt của đứa trẻ, pháp luật cho phép cha hoặc mẹ có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây: Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Với các quy định nói trên, nếu chồng cũ của bạn cố tình cắt đứt mọi liên lạc với bạn là đang có dấu hiệu của việc cản trở việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.  Do vậy, bạn có thể yêu cầu tòa án xem xét, giải quyết và có thể yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mẹ con bạn.