Phải gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng mọi giá

ANTĐ - Cuối phiên làm việc chiều qua, 5-6, Quốc hội đã dành 1 giờ để nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông. Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ sau phiên họp, ĐB Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, ngoài việc nêu tình hình cụ thể Chính phủ cũng đã nêu rõ giải pháp, thái độ của ta trước những diễn biến trên Biển Đông hiện nay.

Gần đây Trung Quốc liên tục có các hành động ngang ngược như cơi nới, xây dựng các công trình tại khu vực quần đảo Trường Sa, tấn công tàu cá của ngư dân nước ta… Từ báo cáo của Chính phủ, ĐB đánh giá như thế nào về diễn biến trên Biển Đông hiện nay? 

 ĐB Trần Đình Nhã: Nhiều nước trên thế giới đã thẳng thắn gọi các hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông là hành vi hung hăng, đặt Biển Đông vào tình thế nguy hiểm, khả năng xung đột rất lớn. 

Phải gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng mọi giá ảnh 1

 Ông đánh giá như thế nào về giải pháp, thái độ của nước ta trước diễn biến trên Biển Đông được Chính phủ báo cáo Quốc hội?

- Với quan điểm của tôi, báo cáo về tình hình Biển Đông của Chính phủ trình bày trước Quốc hội khá đầy đủ, giúp các ĐBQH hiểu thêm được về tình hình trên Biển Đông hiện nay. Đó là tổng hợp các giải pháp về chính trị, ngoại giao, pháp lý, trên nguyên tắc đảm bảo chủ quyền lãnh thổ và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Thực tế nhiều thông tin về tình hình trên Biển Đông đã công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn quốc tế, song đây mới là thông tin chính thức mà các ĐBQH được nghe Chính phủ báo cáo, trong đó có cả những việc Chính phủ đã làm và đang làm.

Dù sách lược như thế nào thì đối với vấn đề Biển Đông, chúng ta phải làm hết sức mình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền chủ quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Hai nhiệm vụ này phải song hành, không thể khác được, dù rất khó khăn.

Nhiều ĐBQH cho rằng Quốc hội cần phải có buổi thảo luận về vấn đề Biển Đông chứ không chỉ nghe báo cáo, đồng thời cần có nghị quyết về vấn đề này. Ông có thể cho biết quan điểm của mình?

- Quốc hội chỉ ban hành Hiến pháp, các luật, nghị quyết, còn các hình thức thông cáo, tuyên bố thì trong quy định pháp luật không đề cập. Hiện Quốc hội đã quy định rất rõ trong các Luật Biển, Luật Biên giới quốc gia, khẳng định quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc Việt Nam, là của Việt Nam. Hơn nữa, trong Luật Biên giới quốc gia cũng nói các lực lượng vũ trang và toàn bộ nhân dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng mọi giá. 

Việc thảo luận về vấn đề này theo tôi không cần thiết bởi thông tin Chính phủ đã báo cáo rõ. Trước các hành động vi phạm của Trung Quốc trên Biển Đông, đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ của nước ta trên Biển Đông thì Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đại diện cho đất nước đã liên tục có phát ngôn công khai tại các diễn đàn, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản đối các hành động đó. Cùng với đó, các đoàn lãnh đạo cấp cao của nước ta cũng luôn đặt vấn đề rất thẳng thắn khi tiếp xúc, đối ngoại với thế giới, nêu rõ hành động của Trung Quốc là vi phạm, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của nước ta trên Biển Đông.

Đảng và Nhà nước đang làm hết sức mình để thực hiện nhiệm vụ trước Tổ quốc, nhân dân để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Đại biểu Dương Trung Quốc: 
Người dân rất muốn biết thông tin đúng, đường lối đúng

“Tôi có đặt vấn đề Quốc hội nên quan tâm hơn về vấn đề Biển Đông trong chương trình kỳ họp này, cũng như phải có động thái cụ thể. Đứng trước vấn đề diễn biến rất phức tạp như thế, người dân rất muốn biết thông tin đúng, đường lối đúng. Việc Quốc hội tới đây có hay không ra Nghị quyết về Biển Đông, hoặc hình thức gì khác, tôi chỉ muốn nói đơn giản thế này: Nếu so với hiện tượng Trung Quốc đưa Giàn khoan Hải Dương 981 trước đây thì hành động xây đảo nhân tạo trái phép trên quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam lần này nghiêm trọng hơn rất nhiều. Ở kỳ họp trước, chúng ta đã có hình thức ra thông cáo thì lần này chắc chắn phải có một hình thức mạnh mẽ hơn. Còn cụ thể là gì, Nghị quyết hay Tuyên bố… thì xin các vị lãnh đạo cứ cân nhắc để làm sao phù hợp với giải pháp ngoại giao nhưng cũng để hợp lòng dân”.

ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội):
Chủ quyền quốc gia là bất di bất dịch

Qua những gì Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh báo cáo trước Quốc hội, có thể thấy diễn biến trên Biển Đông hiện nay rất phức tạp. Trung Quốc vẫn liên tục có những hành động ngang ngược, gây hấn trên Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế.

Báo cáo cũng nêu rõ thái độ của chúng ta trước diễn biến trên Biển Đông rất kiên quyết, các giải pháp của ta đều tuân thủ đúng các công ước, luật pháp, luật biển quốc tế. Quốc hội đồng lòng, nhất trí với báo cáo của Chính phủ và yêu cầu các giải pháp thời gian tới phải tiếp tục giữ đúng quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là chủ quyền biển đảo phải bất di bất dịch, phải bảo vệ đến cùng.

ĐB Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hải Phòng:
Chúng ta có chính nghĩa và được thế giới ủng hộ

Kinh tế biển vô cùng quan trọng, song bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển cũng là vấn đề quan trọng không kém, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đứng trước một nước láng giềng rất lớn và liên tục có hành động bất chấp pháp luật trên Biển Đông. Do vậy, chúng ta phải có giải pháp vừa giữ được hòa bình vừa giữ được chủ quyền, đó phải là quyết sách hết sức mềm dẻo, khôn khéo.

 Chúng ta có chính nghĩa, từ chính nghĩa chúng ta phải dùng các giải pháp tuyên truyền, vận động các nước trên thế giới để họ hiểu và ủng hộ chúng ta trên tinh thần yêu cầu Trung Quốc thực hiện nghiêm túc Công ước về Luật Biển năm 1982.

Nguyễn Phan (Thực hiện)