Phải dứt điểm xử lý

ANTD.VN - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt lên hàng đầu trong quản lý phát triển đô thị là quản lý hiệu lực, hiệu quả, thanh tra, kiểm tra thường xuyên quy hoạch, trật tự xây dựng không để dẫn đến những vi phạm, phát sinh phức tạp rồi mới vào cuộc xử lý. 

Đoàn thanh tra liên ngành của TP Hà Nội vừa kiểm tra 50 dự án chung cư cao tầng, thương mại, dịch vụ trên địa bàn, đã phát hiện tới 38 dự án vi phạm.

Dư luận xã hội giật mình không chỉ về con số dự án. 38 dự án này vi phạm về quy hoạch, xây dựng, đất đai, tài chính, chuyển nhượng, trong đó có những vi phạm nghiêm trọng. Phổ biến nhất là xây vượt số tầng, thậm chí vượt tới 5 tầng ngay giữa Thủ đô.

Tiếp đó là vượt diện tích xây dựng, tự ý thay đổi công năng một số tầng, vượt số lượng căn hộ. Hơn thế, nhiều chủ đầu tư còn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai xây dựng. Nhiều dự án bỏ qua khâu thẩm duyệt, nghiệm thu về an toàn phòng chống cháy. 

Điều khiến người dân sửng sốt đến mức khó hiểu là những dự án vi phạm này sừng sững mọc lên ngay trước mặt các cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm, song lại chậm được phát hiện, chậm xử lý, xử lý cho tồn tại hoặc không động đến. Chưa kể dù có vi phạm, nhưng hầu hết các dự án, công trình này đã được bán cho người dân, chuyển nhượng cho đơn vị sử dụng, gây khó khăn cho việc xử lý, làm thiệt hại quyền lợi khách hàng và lợi ích Nhà nước. 

Thực tế cho thấy, do nhu cầu nhà ở bức xúc, do thiếu tìm hiểu thông tin nên người dân vẫn chấp nhận vào ở. Tuy nhiên, ở đây các cấp chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng không thể “phủi tay” trách nhiệm khi không nhìn thấy, ngăn chặn, chứ chưa nói tới mạnh tay xử lý những sai phạm, vi phạm tồn tại của chủ đầu tư. Mặc dù chủ đầu tư nhiều dự án chây ỳ không nộp thuế, tiền sử dụng đất đã bị Cục Thuế Hà Nội công khai hàng tháng, song dường như chưa đủ sức răn đe.

Văn bản pháp luật về quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các dự án chung cư, nhà cao tầng không thiếu, nếu không muốn nói là khá đầy đủ. Vấn đề bức xúc được công luận, dư luận đặt ra là: trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý ở đâu mà không xử lý kịp thời? Nể nang, né tránh, không xử lý đến nơi đến chốn, dứt điểm, đồng nghĩa với việc buông lỏng quản lý để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, lúc đó mới lại “kịp thời” xử lý, siết chặt thì e rằng đã muộn.