Phải dự trù nhiều phương án khi có bão

ANTD.VN - Mặc dù không nằm trong khu vực thường xuyên xảy ra bão lũ nguy hiểm, nhưng Hà Nội vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi diễn biến thiên tai bất lợi. GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô câu chuyện xung quanh vấn đề này.

Phải dự trù nhiều phương án khi có bão ảnh 1

- PV: Trong lịch sử, Thủ đô Hà Nội đã hứng chịu không ít trận đại hồng thủy, thiệt hại nặng nề. Vậy sự kiện thiên tai nào Giáo sư nhớ nhất?

- GS.TS Vũ Trọng Hồng: Năm 1955, sau hòa bình lập lại, Hà Nội gặp bão to, trực tiếp đổ bộ, gió giật trên cấp 12. Hầu hết cột điện, cây cối bị đổ, đường phố ngập sâu. Bão mạnh đến mức những chỗ đồng không mông quạnh, khi bão ào vào, người không đi được, phải nằm rạp người xuống đất. Hà Nội vừa được tiếp quản xong thì trận bão phá hỏng hết. Cơn bão này quét tiếp vào miền Trung. Tôi vào đó công tác, đường dây điện đứt hết, không có cách nào phải chạy bộ tìm người cứu trợ, đường dây liên lạc đứt hết, bệnh viện tan hoang. 

- Năm 2008, Hà Nội cũng ngập nặng nhiều ngày sau những trận mưa lớn liên tiếp. Công tác phòng chống ngập lụt khi ấy dường như chưa tốt nên nước ngập sâu, kéo dài?

- Năm 2008, Hà Nội mưa to, đây là dấu vết của lịch sử. Hiện nay khoa học phát triển, các điểm ngập lụt sẽ được đánh dấu lại, các cơ quan chức năng sẽ tính toán được các công trình chịu được mức nước bao nhiêu thì ngập. Tuy nhiên, cán bộ chỉ huy phòng chống lụt bão cần phải học được cách chỉ huy. Cách chỉ huy hiện nay chủ yếu là sơ tán, cứu trợ, tức là khi bão lụt đã xảy ra, còn trước đó thì có nạo vét cống rãnh, chặt cây nên hiệu quả chưa cao.

Theo tôi, trước khi thiên tai ập đến, ban chỉ huy phòng chống lụt bão cần tính xem bão đến thì xử lý thế nào. Đầu tiên, theo hướng bão cả vệt dài mấy kilomet, phải sơ tán người dân, lấy nhà cao tầng là nơi trú ẩn của người dân, những nhà nào có nguy cơ sập thì phải chằng chống. Gần đây, những trận mưa tại Hà Nội khiến nhiều con ngõ ngập sâu 1m, rất nguy hiểm. 

Phải dự trù nhiều phương án khi có bão ảnh 2Một điểm của Hà Nội bị ngập lụt sau mưa lớn kéo dài 

- Cơn bão số 10 càn quét các tỉnh miền Trung gây nên những thiệt hại lớn về vật chất. Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng của bão số 10. Cảnh báo nguy hiểm trong bão là gì, thưa ông?

- Chúng ta cần nhớ, bão di chuyển càng chậm thì càng nguy hiểm và chỗ lặng gió nhất là mắt bão. Dự báo nếu bão đi một vài km/h thì hậu quả càng lớn, gió cứ quẩn đi quẩn lại, quần nát hết nhà cửa. Bão di chuyển nhanh thì ít thiệt hại hơn. Trong tâm bão thường ít mưa lớn, khoảng cách tâm bão 100km mới mưa nhiều. Do đó, người dân cần chú ý để biết cách tự bảo vệ bản thân. Các hộ dân nằm ở ven sông, ven làng, thì nên tháo hết cửa cho gió đi qua. Nếu để nguyên cửa chằng chống bão sẽ đẩy đổ nhà và gây nhiều thiệt hại khác. 

Tại Hà Nội, những ngày qua tôi đã đi khảo sát và thấy các vị trí cống thoát nước lớn đã bố trí người ứng trực, cống rãnh được thông nhưng cần xác định vị trí ống thoát nước chính. Ví dụ, đường Chùa Bộc có ống thoát nước chính đường kính hơn 1m, song mưa to vẫn không chịu nổi. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão cần tính có bao nhiêu đường ống thoát nước chính, phải tính bài toán thủy lực để có phương án. Đồng thời, sẵn sàng máy bơm dã chiến, bơm nước ở chỗ thấp để nước rút. Với đường phố Hà Nội, cần dùng thuyền cao su chuyên dụng, có thể đi vào các ngõ ngách, khi nước ngập sâu thì đưa thuyền vào cứu dân. 

- Xin cảm ơn Giáo sư!