Phải “diệt” hay nên thừa nhận mại dâm?

ANTĐ - Một số lượng lớn bạn đọc đã phản hồi, góp ý liên quan đến loạt bài về việc phanh phui các người mẫu, hoa khôi bản dâm với giá trên trời cho một lần “đi khách”.

Tệ nạn làm ô uế hình ảnh người phụ nữ Việt Nam

“Thật là đáng buồn cho nghệ sĩ Việt Nam đã bị hoen bẩn vì những phần tử thích ăn mặc đẹp, xe hơi, biệt thự nhưng không chịu làm ăn lương thiện” – bạn đọc Nguyên Thao.

 “Suy thoái về đạo đức làm mất đi vẻ đẹp và giá trị của người phụ nữ Việt Nam. Hoan nghênh Báo ANTĐ đã đưa đích danh những người làm việc này mà từ trước tới nay xã hội cứ nghi ngờ. Các cuộc thi hoa hậu và người đẹp Việt Nam sẽ không còn hấp dẫn nữa rồi!” – bạn đọc Nhatlinh viết.

“Vì cuộc sống của họ luôn tiếp xúc với ăn - chơi - hưởng thụ. Ai mà lười lao động, lại muốn có nhiều tiền nhanh chóng thì sẽ lạc lối ngay mà!” – bạn đọc Nguyễn Ly lý giải.

Một ổ mại dâm bị triệt phá. Ảnh tư liệu

“Trước kia dư luận thường cho rằng "Tổ chức hoa hậu" tại Việt Nam mục đích chính là "tuyển gái chân dài" cho các "đại gia" cũng như "nhãy dù" khi có yêu cầu! Lúc ấy nhiều người cho rằng đó là "sự bôi bác" của một số người! Bây giờ đã "rõ ràng" như ban ngày và không thể chối cãi! Bây giờ cứ thấy cô nào "bỗng dưng giàu bất thường" thì sau lưng chắc chắn là “có vần đề”, vì ngành giải trí tiền cát sê thì ai cũng biết!” – bạn đọc Kim Thuy ­phản hồi bài “Người mẫu liên tiếp “phá kỷ lục” giá bán dâm”.

“Con người quả là rất phức tạp, có một tý "thịt treo" mà cũng đem ra kiếm tiền. Thi người đẹp để quảng cáo "cái ấy" sau đó dùng nó mà kiếm tiền thì thật là nhục nhã. Con vật đôi lúc nó còn che lại. Á hậu ơi” – bạn đọc Tran Hoai An chua chat.

Bạn đọc Quoctbb cũng chua chát so sánh: “Những nghệ sĩ, những cụ ông, cụ bà ở làng Quan họ Bắc Ninh, những người đã giữ lại những câu ca, câu hò..., họ lao động nghệ thuật một cách chân chính, xứng đáng để chúng ta tôn vinh và trân trọng hơn những chân dài mang danh hoa hậu, người mẫu mà đi bán dâm... Thật đáng buồn cho ngành nghệ thuật nước nhà.

“Tất cả rồi cũng lộ mặt hết, mong cơ quan chức năng sớm dọn dẹp sạch sẽ những con sâu, con bọ làm mất đi hình ảnh người mẫu Việt Nam. Thật tồi tệ và xấu hổ” – bạn đọc Chu Lâm Tùng.

“Thật là xấu hổ cho hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam chúng ta. Chỉ vì cám dỗ của đồng tiền mà đánh mất đi cả tương lai tốt đẹp ở phía trước. Á khôi Thiên Kim đã lấn sang lĩnh vực điện ảnh với 1 vai phụ trong phim "Lệnh xoá sổ" và bây giờ cô ấy lên "vai chính" với "LỆNH XOÁ SỔ" với sự nghiệp của mình. Thật đúng với câu tục ngữ "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn"” – bạn đọc Yuong Min Lee.

“Thật xấu hổ, tôi thấy làng giải trí nước nào cũng vậy, con gái phải lấy thân xác dể mua "danh". Những người như thế không đáng làm dân chúng ái mộ họ, nên loại bỏ những người làm mất danh tiếng làng nghệ thuật. Hãy xử lý thật mạnh tay” – một bạn đọc ký tên Su That đề nghị.

“Thế khi cầm 2.500 USD tiền bán dâm có khóc và tủi thân không? Vớ vẩn. Thảo nào cứ đua nhau đi học người mẫu, người đẹp... cốt để bán dâm được giầu nhanh. Mà sao đắt thế? Thế "cái đấy" của người mẫu, hoa hậu thì to hơn, đẹp hơn hay gắn kim cương à?” – bạn đọc Đào Xuân Tùng bức xúc khi đọc bài “Á khôi Thiên Kim suy sụp sau vụ bán dâm 2.500 USD?”

Xử lý người mua dâm để triệt “cầu”

“Tăng mức xử phạt đối với môi giới bán dâm thì có thể hạn chế đường dây buôn dâm này, chứ làm sao cấm triệt để được. Nhưng cứ thử đăng cả ảnh người mua dâm lẫn bán dâm lên, đánh vào tâm lý sẽ khác ngay, chả nhẽ lại đứt dây thần kinh xấu hổ” – bạn đọc T.N.

“Mấy ngày nay xã hội xôn xao về vấn đề mua bán dâm của những Hoa hậu, Hoa khôi, người mẫu, hotgirl... Báo chí đã đăng tải nhiều tin và hình ảnh của những người bán dâm. Thế còn những người mua dâm? sao không thấy cơ quan chức năng cho đăng hình ảnh cua họ lên? Nếu làm được như thế, tệ nạn mua bán dâm sẽ giảm đáng kể, chứ để tên bằng viết tắt thì cũng như không” – bạn đọc Lam.

Đồng tình với bài báo “Người bán dâm và mua dâm đều phải bị xử lý ngang nhau”, bạn đọc Lananh111 khẳng định: “Hiện nay dư luận hay lên án gái bán dâm nhưng thiết nghĩ có cầu ắt có cung, bên cạnh việc lên án người bán dâm, nên lên án nặng, xử phạt nặng người mua dâm. Cũng phải đăng ảnh người mua dâm lên cho họ xấu hổ!”

Bạn đọc Lê Quỳnh cũng khẳng định: “Rất nên "xử lý ngang nhau", có khi còn phải xử lý mạnh hơn vì tại sao chỉ những người phụ nữ bị phục hồi nhân phẩm mà đàn ông lại không?”

“Nên đăng ảnh như ảnh "truy nã" đối với các đối tượng mua và bán dâm để cả xã hội biết mặt, ra đường ít ra cũng sẽ cảm thấy xấu hổ, cho chừa tệ nạn” – bạn đọc Qba đề nghị.

Bạn đọc Van Nguyen khẳng định: “Chừng nào chưa đăng tên những người mua dâm mà chỉ đăng tên những người tổ chức bán dâm và những người mẫu bán dâm thì tệ nạn này vẫn phát triển mạnh. Muốn cắt "cung" thì phải triệt được "cầu"!”

“Đây là những tệ nạn cần được xã hội lên án. Có cầu ắt có cung, tại sao cứ phải lên án những cô chân dài, não ngắn mà không đặt câu hỏi tiền các ông lấy ở đâu ra. Ví dụ như lương công chức của tôi làm việc cật lực thì 5 năm cũng không đủ tiền để mời được người đẹp đi chơi một lần, thử hỏi nếu là tiền mồ hôi nước mắt các ông cật lực làm ra thì các ông có dám chơi như vậy không. Thế nên nếu lên án các cô chân dài một thì phải phục hồi nhân phẩm các quý ông gấp 10 lần” – bạn đọc Nguyễn Đức Hải đặt vấn đề một cách sâu xa.

Dẫn dụ “theo luật pháp Việt Nam, hành vi mua bán dâm là vi phạm pháp luật” – bạn dọc Hai Phong thắc mắc “tại sao cơ quan chức năng không công khai danh tính những người mua dâm, thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, gửi thông báo về phường hay cơ quan đang công tác, phạt hành chính hoặc đưa vào các cơ sở giáo dưỡng như người bán dâm. Tại sao chúng ta chỉ xử lí người bán dâm?” và khẳng định: “Nếu chúng ta xử lí người mua dâm công bằng như người bán dâm, tin chắc sẽ bớt nạn này”.

Phản hồi bài “Người mẫu bán dâm – góc khuất xã hội”, bạn đọc Nguyễn Xuân Kiên viết: “Cần ngăn chặn ngay hành động này của cả người bán và người mua. Tại sao không đăng tên những người mua dâm? Nếu để như thế này, tôi tin chắc sẽ vẫn còn nhiều vụ liên quan đến mua bán dâm giữa các chân dài và các đại gia. Hay là tại các đại gia có tiền thì giấu được còn những người bán dâm kia chỉ là con tốt để thí thôi. Đúng là pháp luật Việt Nam còn nhiều kẽ hở lắm”.

“Hãy đăng tên, tuổi, địa chỉ, cơ quan của kẻ mua dâm trên các phương tiện thông tin, chắc chắn chuyện mua, bán dâm sẽ giảm rõ rệt” – bạn đọc ­Congnhan khẳng định.

Bó tay với nạn mại dâm!?

“Mại dâm là nghề cổ xưa nhất của con người, trước cả nghề nông. Có 3 thứ mà bất cứ chế độ nào cũng phải biết để tránh, không dám chối bỏ nếu không chế độ sẽ không tồn tại: Đó là mại dâm, rượu và tôn giáo. Có điều là điều tiết các việc trên sao cho phù hợp với hoàn cảnh chế độ, phong tục tập quán...” – bạn đọc Lam HP phân tích, kiến giải.

“Chính xác. Là quy luật cung - cầu thôi mà. Mà đã là cầu thì chả bao giờ hết, nhu cầu con người là mãi mãi. Khó đây!” – bạn đọc Aladin. “Đã là bản năng của con người thì không bao giờ hết cầu! Nếu bạn là đàn ông ở hoàn cảnh đặc biệt (không vợ, không người tình...) thì làm thế nào nhỉ?” – một thắc mắc rất… đàn ông của bạn đọc Dao Thanh Trung.

“Theo tôi nghĩ việc mua bán dâm nếu đã làm thì phải kiên quyết và nghiêm minh. Tôi thấy vấn đề này còn tồn tại dưới rất nhiều hình thức. Như các tiệm cắt tóc gội đầu thư giãn, massage, các khu du lịch... Họ hoạt động công khai mà chính quyền sở tại có can thiệp gì đâu. Mua dâm bây giờ rễ hơn cả đi chợ mua rau” – bạn đọc Thanh Son phản hồi bài: “Người bán dâm và mua dâm đều phải bị xử lý ngang nhau”.

“Thu nhập của các em này cao thế không biết có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không nhỉ. Nhà nước nên quản lý và thu thuế” – bạn đọc ký tên Thue đề nghị.

“Có nên hay không: đưa việc bán dâm vào quản lý.là một ngành nghề nhất định, hàng tháng kiểm tra sức khoẻ?” – bạn đọc Hunter thẳng thắn đặt vấn đề.

“Từ bao năm nay, ở tất cả các nước trên thế giới, nạn mại dâm luôn tồn tại, chẳng thế nào hết được” – Bạn đọc Mailinh nêu quan điểm.