"Phải để người mua hàng online thấy tất cả thông tin sản phẩm như mua trực tiếp"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bà Nguyễn Quỳnh Anh- Phó Chủ tịch Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho rằng, trước những vi phạm ngày càng phức tạp trên thương mại điện tử, các nền tảng thương mại điện tử phải thông tin đầy đủ về hàng hóa.
Nên công khai vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử

Nên công khai vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử

Ngày 27-3, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phối hợp với Tạp chí Công Thương tổ chức Toạ đàm trực tuyến “Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam trong tiến trình hội nhập thương mại điện tử quốc tế”.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2024 sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Theo Nguyễn Quỳnh Anh, thách thức lớn nhất hiện nay là giao dịch thương mại điện tử càng ngày càng trở nên phức tạp. Khi người tiêu dùng tham gia nhiều vào các giao dịch thương mại điện tử, họ trông đợi rất nhiều vào cơ quan quản lý nhà nước.

“Vi phạm tại Việt Nam không dừng ở việc cung cấp hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ,… mà cao hơn còn là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên nền tảng số. Thông tin cá nhân, lịch sử giao dịch của người tiêu dùng dễ bị lộ lọt”- bà Nguyễn Quỳnh Anh nói.

Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng cho hay, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã có những điều chỉnh và có những quy định rất chi tiết về nghĩa vụ của từng chủ thể trong tiêu dùng trên không gian mạng, bao gồm cả chủ sàn thương mại điện tử; tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn; và người có sức ảnh hưởng.

Đối với sàn thương mại điện tử hoặc chủ của nền tảng số, nền tảng số trung gian, Luật yêu cầu phải công khai đầu mối để xử lý khiếu nại của người tiêu dùng.

Khi người tiêu dùng có bất cứ khiếu nại nào đó có thể tìm đến người chủ shop hoặc yêu cầu sàn thương mại điện tử phải cung cấp đầu mối để cuối cùng giải quyết được khiếu nại của người tiêu dùng.

Đồng thời, “phải minh bạch và công khai thông tin về sản phẩm mà họ kinh doanh, phải nói rõ nguồn gốc của sản phẩm, công dụng, chất lượng, thậm chí là cả khối lượng, hay cả những tiêu chuẩn rất cụ thể khác. Để cho người tiêu dùng khi tìm kiếm sẽ có tất cả những thông tin như thể họ nhìn thấy sản phẩm đó trước mặt mình”- bà Nguyễn Quỳnh Anh nhấn mạnh.

Pháp luật cũng quy định phải công khai danh tính của người bán, người có tầm ảnh hưởng cho người tiêu dùng được biết.

Ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ban chấp hành Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho hay, Hội cũng khuyến khích người tiêu dùng hãy trở thành những người tiêu dùng thông thái trong lựa chọn và lắng nghe ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, hãy mạnh dạn lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình kể cả trước những dấu hiệu vi phạm nhỏ nhất.

Ngày 25/3/2025, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương và Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng.

Hợp tác này nằm trong khuôn khổ Chương trình hội nhập kinh tế giữa Vương quốc Anh và ASEAN (Chương trình EIP) nhằm tăng cường cải cách, phát triển kinh tế và phát triển bền vững. Bản ghi nhớ sẽ là cầu nối để hai bên hợp tác trong việc nâng cao hành vi, kiến thức về pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng và tăng cường công tác giám sát, thu hồi sản phẩm, hàng hoá có khuyết tật.