Phải để doanh nghiệp Nhà nước cạnh tranh bình đẳng

ANTĐ - Quan điểm trên được ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh: doanh nghiệp chung tay trong cải cách thể chế”. Theo Chủ tịch VCCI, Nhà nước nên đóng vai trò như cổ đông, chủ sở hữu nhưng không nên can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp.

Phải để doanh nghiệp Nhà nước cạnh tranh bình đẳng ảnh 1Thủ tục thành lập doanh nghiệp được rút ngắn. Ảnh: PHÚ KHÁNH

Thương doanh nghiệp đúng cách

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Phải thương doanh nghiệp Nhà nước”, bởi chính họ cũng đang gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, “phải đặt doanh nghiệp Nhà nước vào môi trường kinh doanh bình đẳng” - Chủ tịch VCCI nói. 

Theo TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KH-ĐT), không nên chỉ “nói xấu” doanh nghiệp Nhà nước bởi họ cũng đang gặp nhiều vướng mắc, nhiều sự quản lý và nhũng nhiễu. “Có vị tổng giám đốc doanh nghiệp Nhà nước nói với tôi, có ngày họ nhận được hàng chục cuộc điện thoại “hỏi thăm” - ông Lưu Bích Hồ cho biết.

Trên thực tế, so với doanh nghiệp ngoài Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước đang có điều kiện thuận lợi hơn về tiềm lực tài chính, tiếp cận vốn ngân hàng… và họ cần môi trường để biến những tiềm lực này thành hiệu quả kinh tế. Nhưng do phải chịu sự quản lý, can thiệp của cùng lúc nhiều cơ quan chủ quản, là “con đẻ” của một số bộ nên doanh nghiệp Nhà nước thiếu môi trường cạnh tranh bình đẳng. “Nên bớt sự can thiệp của cơ quan Nhà nước với tư cách cơ quan chủ quản. Nhà nước đóng vai trò như cổ đông, chủ sở hữu nhưng không can thiệp vào hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp” - ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ. 

Giảm bớt “nhũng nhiễu” doanh nghiệp

Ngày 12-3-2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP. Đây được coi là “bước đột phá của đột phá” trong việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Khi nhận được Nghị quyết này, Bộ Tài chính đã họp và thấy rằng phải thay đổi, nhìn từ đòi hỏi của doanh nghiệp”. Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng chia sẻ những kế hoạch hành động cụ thể của Bộ Tài chính để cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực thuế và hải quan. 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Bộ Tài chính đã thay đổi tư duy rất mạnh. “Nhìn vào kế hoạch của ngành thì tôi tin ngành sẽ làm được” - bà Phạm Chi Lan nói. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lưu ý, song song với việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí trong bảng xếp hạng thì cần có quy định nghiêm cấm công chức đòi hỏi doanh nghiệp “cõng” chi phí thêm. “Có chị giám đốc 2 khách sạn nhỏ ở Hà Nội cho tôi xem thư chúc mừng năm mới của một cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó đề nghị chủ khách sạn phải mừng tuổi 35 cán bộ viên chức trong danh sách của cơ quan. Lần khác, tôi chứng kiến cảnh Chủ tịch một huyện mời khách ăn cơm tối. Đến 22h30 thì gọi điện cho doanh nghiệp đến nhờ trả tiền. Năm nay hội nhập, nâng thuế môi trường, nâng giá điện cộng với khoản này thì chi phí môi trường kinh doanh đội lên như thế nào?” - ông Lê Đăng Doanh thẳng thắn.

TS. Lưu Bích Hồ nhấn mạnh, cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ rất quan trọng. Tuy nhiên, muốn làm được thì người đứng đầu ngành phải quyết liệt. “Ở đâu lãnh đạo quản lý, sở, ngành quan tâm chỉ đạo trực tiếp và làm quyết liệt thì sẽ có sự thay đổi. Nhưng chỉ cần buông ra là cải cách sẽ trùng xuống” - ông Lưu Bích Hồ nói.