Phải đánh giá toàn diện động đất ở Sông Tranh 2

ANTĐ - Hôm qua, 20-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có kết luận chính thức liên quan tới tình hình Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) sau chuyến kiểm tra thực địa và làm việc tại công trình này hôm 17-11.

Phải hỗ trợ người dân sửa chữa nhà

Sau trận động đất có cường độ 4,7 độ richter ngày 16-11 vừa qua, kiểm tra cho thấy đập hiện vẫn an toàn. Tuy nhiên, tác động của động đất đã làm nứt nhiều công trình xây dựng lân cận, đặc biệt là nhà ở của nhân dân, gây tâm lý lo lắng, hoang mang. 

Do đó, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ KH-CN, Viện KH-CN Việt Nam và Viện Vật lý địa cầu khẩn trương thuê các tổ chức tư vấn, chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm tiến hành đánh giá toàn diện về động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Đồng thời, phải sớm kiểm tra số liệu động đất cực đại và đánh giá xu hướng diễn biến của động đất kích thích để có cơ sở quyết định các biện pháp ứng xử đối với công trình Thủy điện Sông Tranh 2 và các công trình xây dựng khác trong khu vực chịu ảnh hưởng. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng dứt khoát: “Việc quyết định cho tích nước hay không tích nước vĩnh viễn đối với hồ chứa chỉ được thực hiện khi đã có kết quả đánh giá toàn diện về động đất”. 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng yêu cầu, phải có các chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ nhân dân địa phương trong việc sửa chữa nhà ở, có thể xây dựng lại nhà ở đối với các hộ dân có nhà ở không đảm bảo an toàn khi động đất xảy ra.

Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm

Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang, sau khi nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Thủy điện sông Tranh 2 do chủ dự án (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) lập, Bộ đã tổ chức thẩm định theo quy định. Ngày 

2-2-2007, Bộ đã phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án. Bộ trưởng cho biết, theo quy định, chủ dự án phải lập báo cáo ĐTM và chịu trách nhiệm về mọi thông tin, số liệu đưa ra trong đó. Về vấn đề sự cố, nội dung báo cáo ĐTM được pháp luật bảo vệ môi trường quy định là không yêu cầu phải có nội dung đánh giá khả năng xảy ra động đất kích thích. Việc đánh giá khả năng xảy ra động đất kích thích là thông số đầu vào để thực hiện ĐTM, không thuộc nhiệm vụ của ĐTM. 

Trả lời câu hỏi về mặt trái của thủy điện nhỏ, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận, bên cạnh mặt tích cực, việc phát triển quá nhanh các dự án thủy điện nhỏ thời gian qua đã gây ra những tác động tiêu cực đáng lo ngại đến xã hội, môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân và gây dư luận bức xúc trong xã hội. Tuy nhiên, Bộ trưởng lại chỉ ra địa chỉ trách nhiệm thuộc... các Bộ, ngành khác bởi “vấn đề về quy hoạch, đầu tư xây dựng, đánh giá tác động môi trường, bảo đảm an toàn công trình đối với các thủy điện nhỏ chủ yếu thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương và UBND cấp tỉnh”... Bộ trưởng chỉ cam kết, sẽ đẩy mạnh thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ việc khai thác, sử dụng nước của các hồ chứa thủy điện và tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường của các dự án...