Phải có “thương hiệu nội”

ANTĐ - Anh Phạm Văn Mạnh (30 tuổi, giáo viên dạy thể dục) không quá ngạc nhiên trước thông tin khoai tây  nhập khẩu từ Trung Quốc nhiễm chất độc hại.

- Tại sao anh có vẻ thờ ơ trước thông tin này?

- Trung Quốc có đường biên giới khá dài với Việt Nam, khối lượng hàng hóa giao thương hàng ngày cả tiểu ngạch lẫn chính ngạch là rất lớn. Trong khi đó, để kiểm tra thành phần hóa học trong thực phẩm, chất lượng hàng hóa đòi hỏi có quy trình và rất mất thời gian. Những thực phẩm tươi sống chờ xong quy trình đó thì hỏng mất rồi, nên hàng ngày rất nhiều hàng hóa lọt qua khâu kiểm định, có gì mà ngạc nhiên.

- Chẳng nhẽ đành bó tay với thực phẩm bẩn sao?

Tôi nghĩ không ai muốn thế cả, đến ngay trong nước Trung Quốc cũng phải đối mặt với nạn thực phẩm bẩn đầu độc người tiêu dùng. Muốn ngăn chặn, thì phải nâng cao trình độ khoa học để kiểm tra nhanh, chính xác hàng hóa. Các tổ kiểm tra VSATTP hiện nay lực lượng mỏng, chưa thể kiểm soát thị trường nhập khẩu rộng lớn này được.

- Vậy người tiêu dùng phải chịu cảnh này đến bao giờ?

- Nước ta là nước nông nghiệp, nếu nâng cao thương hiệu nông sản trong nước: ngon, sạch, uy tín, thì dù giá cả có cao đôi chút người tiêu dùng vẫn chấp nhận. Đằng này, đại đa số thực phẩm ở chợ đều không có thương hiệu, hàng nội, hàng nhập lẫn lộn, tuy rẻ, nhưng độ tin cậy rất kém.

- Vậy nâng cao chất lượng sản xuất nông sản là giải pháp căn cơ?

- Đúng thế. Một mặt xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, mặt khác kiểm soát tốt hàng nhập, làm được thế thì không lâu nữa chúng ta sẽ được ăn sạch.