Phải có lộ trình

ANTĐ - Ngày 26-5, bên lề Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, bà Trương Thị Mai đã trao đổi với phóng viên về những vấn đề dư luận đang rất quan tâm như kéo dài tuổi nghỉ hưu, điều chỉnh cách tính lương hưu...

- Bà đánh giá thế nào về nguy cơ Quỹ bảo hiểm xã hội có thể bị vỡ?

- Quỹ hiện đang tăng chi nhưng lại giảm thu nên nếu chúng ta không điều chỉnh chính sách thì có nguy cơ vỡ quỹ. Giải pháp hiện nay là tăng thời gian làm việc và giảm thời gian hưởng thì thời gian có thể dẫn tới vỡ quỹ sẽ kéo dài hơn.

Bên cạnh đó, nếu giảm trợ cấp, bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội... thì sẽ tăng quỹ lên.

- Dư luận đang rất quan tâm tới vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, quan điểm cá nhân của bà về đề xuất này?

- Bộ luật Lao động cho phép tăng tuổi nghỉ hưu đối với nhóm quản lý, nhóm chuyên môn, kỹ thuật, đồng thời, cho phép những người lao động năng nhọc, ở môi trường độc hại, nguy hiểm ở những địa bàn quá khó khăn có thể được giảm tuổi nghỉ hưu. Việc tăng hoặc giảm tuổi nghỉ hưu trong vòng 5 tuổi. Cá nhân tôi cho rằng, phương án tăng tuổi nghỉ hưu phải có lộ trình hợp lý, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội. Mỗi năm có khoảng 1 triệu lao động trẻ, do vậy, chúng ta vẫn đang trong thời kỳ lực lượng lao động cao hơn tỷ lệ phụ thuộc. Khi nào hai tỷ lệ này bằng nhau thì dứt khoát phải tăng tuổi nghỉ hưu.

- Có ý kiến nói đề xuất cách tính lương hưu mới khiến người lao động bị thiệt hơn hiện nay? 

- Hiện nay việc đóng bảo hiểm và hưởng lương đang cao hơn so với cả quá trình đóng bảo hiểm của người lao động. Chúng ta đang lấy bình quân của một số năm cuối để tính lương hưu nên rất cao. Sau này, sẽ tính lương bình quân cho cả quá trình đóng, như vậy sẽ hợp lý hơn. Nhưng cũng nhấn mạnh để người lao động yên tâm, giả sử luật được thông qua, người đóng bảo hiểm đầu tiên vào ngày 1-1-2018 mới bắt đầu tính chính sách này. 20 năm sau, người đó sẽ hưởng lương hưu bình quân cả cuộc đời đóng bảo hiểm. Nếu tính sớm quá sẽ thiệt thòi cho người lao động vì quá trình tính lương của ta thời gian qua có nhiều thăng trầm, mức lương hưu cách đây hơn chục năm rất thấp, sẽ khó khăn cho người lao động.

- Rất nhiều doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội, sửa luật lần này có tăng chế tài để xử lý nghiêm các đối tượng này?

- Trong quá trình phát triển kinh tế, chúng ta sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể. Có trường hợp cố ý chây ỳ, có trường hợp do khó khăn khách quan của doanh nghiệp... Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ tăng cường thêm chế tài xử lý trách nhiệm với các doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sắp tới có  thể quy định tội chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động và tội trốn đóng bảo hiểm xã hội. Chế tài hiện nay mới chỉ xử phạt vi phạm hành chính và nợ đọng tiền bảo hiểm vẫn là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng tiêu cực tới người lao động. Do đó, về dài hạn, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tới đây trình ra cần bổ sung thêm một số tội nêu trên để tăng trách nhiệm của doanh nghiệp.