Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội:

Phải có kế hoạch thôi vay vốn nước ngoài

ANTĐ - Ngày 30-10, thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội, đa số ĐBQH đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ từ đầu năm 2014 đến nay, giúp nền kinh tế chuyển biến tích cực trong bối cảnh chung hết sức khó khăn. Song hầu hết đại biểu chưa lạc quan bởi nhiều yếu tố đe dọa đến phát triển ổn định, bền vững.  

Phải có kế hoạch thôi vay vốn nước ngoài ảnh 1Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu ý kiến tại Quốc hội ngày 30-10

Cảnh báo lạm dụng vốn ODA 

Lạm dụng, quản lý yếu kém nguồn vốn ODA là một trong những vấn đề được nhiều ĐBQH cảnh báo. ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho biết, không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà dòng vốn ODA mang lại cho kinh tế Việt Nam trong 20 năm qua song việc quản lý và sử dụng ODA đang bộc lộ nhiều hạn chế. Hiện tại, Việt Nam là một trong số những nước vay ODA với số lượng rất lớn, nhưng nguồn vốn vay đang phân bổ dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm và cũng chưa thể hiện rõ chiến lược ưu tiên sử dụng. 

“Nhận thức của không ít cán bộ, người dân còn sai lệch. Nhiều người vẫn nghĩ ODA là nguồn vốn cho không, vay không mất lãi, vay được càng nhiều càng tốt mà không cần quan tâm đến trả nợ. Chưa kể các dự án sử dụng vốn vay ODA trở thành nơi dễ bị lợi dụng, tham nhũng, gây thất thoát, ảnh hưởng đến chất lượng công trình” - ĐB Lê Thị Nga phân tích.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) nhấn mạnh, các dự án vay ODA cần phải tính toán cẩn thận vì sẽ tăng gánh nặng nợ công. Phải thực hiện nguyên tắc chỉ vay ODA để đầu tư vào hạ tầng thiết yếu, đầu tư phát triển chứ không được vay để phục vụ chi thường xuyên. Đặc biệt, các quyết sách vay vốn ODA nhất thiết phải có ý kiến của cơ quan Quốc hội… Từ kinh nghiệm thành công của Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, các đại biểu kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ phải giám sát chặt chẽ, sử dụng có chọn lựa, hiệu quả vốn ODA. Đồng thời, phải có kế hoạch chấm dứt vay ODA trong tương lai gần, tránh lệ thuộc vào dòng vốn này.

“Đã đến lúc phải tăng trưởng cao trở lại”

Thảo luận về mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2015, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) phân tích, nhìn lại từ năm 2012 đến nay, nói nền kinh tế của Việt Nam đang phục hồi là có cơ sở. Trong 3 năm qua, GDP của nước ta đã tăng từ 5,25% năm 2012 lên 5,8% vào năm 2014. Kinh tế vĩ mô đang dần ổn định, lạm phát được kiểm soát, cán cân thương mại an toàn… Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong mấy năm vừa qua là dưới tiềm năng. “Đã đến lúc chúng ta phải tăng trưởng cao trở lại nhưng cần có quyết sách đúng” – ĐB Trần Hoàng Ngân nói.

Tương tự, ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) nhất trí với chỉ tiêu tăng trưởng 6,2% và lạm phát ở mức 5% mà Chính phủ đề ra, song đề nghị phải tăng tỷ lệ đầu tư công. Theo ĐB Bùi Đức Thụ, muốn đánh giá đúng bức tranh kinh tế, có thể nhìn ngay vào thực trạng hoạt động của doanh nghiệp. 2 năm qua, mỗi năm cả nước có đến 50.000 doanh nghiệp phá sản, 2/3 doanh nghiệp báo lỗ, lượng hàng tồn kho lớn, cho thấy thực trạng hết sức khó khăn. Do vậy, trong 9 nhóm giải pháp để phát triển kinh tế xã hội năm 2015 mà Chính phủ đề ra, cần tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, kích cầu sản xuất tiêu dùng. 

Nhiều ĐB khác góp ý, bên cạnh nhiệm vụ kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Trước mắt cần có hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn để thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất; chuyển dịch sang đầu tư cho công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu đầu tư và có giải pháp tháo gỡ, đảm bảo lưu thông dòng vốn cũng như điều hành linh hoạt giá các mặt hàng thiết yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô…