Phải có "bức tường" ngăn virus độc

ANTD.VN - Công nghệ thông tin bùng nổ, mạng xã hội bao trùm, phủ sóng giúp thế hệ trẻ tiếp cận nhiều tri thức mới, thay đổi nhận thức cũng như chia sẻ tâm tư, tình cảm. 

Song mặt trái của mạng xã hội cũng phơi bày những mảng tối, những hố đen trong suy nghĩ của một bộ phận thanh thiếu niên mới lớn…

Mặc dù việc nữ sinh lớp 8 đổ xăng đốt trường sau khi được 1.000 like (thích) trên facebook, hay trước đó là trường hợp nam sinh cùng lứa tuổi tự tử vì bị bêu xấu trên mạng chỉ là hiện tượng cá biệt, nhưng dư luận, nhất là những bậc làm cha mẹ thực sự thấy lo ngại về một nguy cơ đã hiển hiện ngay trước mắt.

Nếu không có giải pháp hữu hiệu thì hậu quả không thể lường hết được bởi những cái xấu giống như một thứ virus cực độc có sức lây lan mạnh trong thế giới ảo - cũng đồng thời là mặt gương phản ánh thế giới thực.

Đây cũng chính là một “thách thức kép” đặt ra cho gia đình, nhà trường và các cơ quan quản lý. Muốn hay không, cha mẹ học sinh không thể “khoán trắng” con cái mình cho thầy cô giáo và nhà trường rồi mải mê kiếm tiền, mua sắm máy tính, iPad, iPhone cho con trẻ, sau đó không cần biết con mình đang xem gì, đọc gì, làm gì trên mạng.

Để con chìm đắm trong thế giới ảo, quên hẳn cuộc sống thực, nhất là lại ở độ tuổi chưa nhận thức được hay - dở, vô hình trung chính người làm cha, làm mẹ đã làm hại con trẻ. Từ nhà bước đến trường lớp, ngoài việc bị nhồi nhét kiến thức, chưa kể dạy thêm, học thêm, hầu hết học sinh gần như “trắng tay” về kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử để có thể tự thân ứng phó, thích nghi và bảo vệ mình trước những cám dỗ, cạm bẫy vô hình cũng như cái xấu ngoài xã hội.

Có những chuyên gia giáo dục và nhà tâm lý học không ngại nói thẳng thực trạng, con cháu chúng ta đang rơi vào tình cảnh bị “thả rông” ngay trong “mái ấm” gia đình, trong mái trường. Liệu đã đến lúc xã hội phải rung chuông báo động hay chưa về tương lai của những thanh thiếu niên mà đầu óc đã sớm nảy nòi những ý đồ bệnh hoạn, quái dị?

Có lẽ đã đến lúc ngành giáo dục, đoàn thể cũng như cơ quan quản lý cùng bắt tay, dựng “bức tường” hạn chế, ngăn chặn những clip bạo lực học đường, những thứ rác rưởi, độc hại bị tung lên mạng tràn lan trong trước mắt lẫn lâu dài.

Không có việc gì là quá muộn nếu cả xã hội cùng chung tay, dốc sức “kéo” những học sinh, con cháu chúng ta thoát ra khỏi “vũng lầy” trên mạng xã hội giăng đầy khắp nơi, mà ngay cả người lớn nếu không tỉnh táo cũng sa xuống.