Phải “chữa trị” cả hai

ANTĐ - Lạm phát biểu hiện ở tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI), tuy đã chậm lại nhưng vẫn còn ám ảnh. Cùng một lúc nền kinh tế đang phải đối mặt với lạm phát và đình trệ. Đây là vòng xoáy rất khó thoát ra. 

Từ nay đến cuối năm, theo dự báo của một số chuyên gia vẫn có những yếu tố gây áp lực làm tăng CPI khi thực hiện lộ trình giá thị trường đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Theo đó, 9 tháng còn lại của năm nay, bình quân một tháng sẽ tăng khoảng 2%.

Đây là tốc đô tăng khá cao, rất dễ gây ra lạm phát cao vào cuối năm. Nhìn vào biểu đồ kinh tế với sự suy giảm tốc độ tăng trưởng GDP và sự đình trệ của các ngành kinh tế, các chuyên gia mô tả mô hình kinh tế Việt Nam, theo hình chữ W, xuống đáy hai lần, sau đó mới vượt lên nổi. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2012 sẽ chậm lại ở mức 5,7%. Chính sách thắt chặt tiền tệ để kéo giảm lạm phát đã có tác dụng “kiềm chân” khá hiệu quả, song đồng thời cũng làm cho kinh tế tăng trưởng chậm hẳn lại. Theo ADB, lạm phát trung bình có thể đạt được một con số với điều kiện các chính sách được duy trì đủ chặt chẽ. Lạm phát giảm sẽ là tín hiệu cho những đợt điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, nhất là khu vực kinh tế tư nhân đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế của ADB khuyến cáo, việc hạ lãi suất cần được thực hiện theo lộ trình và tính toán cụ thể, bởi nếu hạ nhanh cộng thêm rủi ro lạm phát sẽ khiến giảm giá trị thực của các khoản tiết kiệm của người dân và họ sẽ mất lòng tin vào việc nắm giữ đồng nội tệ. Vị chuyên gia này cảnh báo, độ ổn định tài chính của nền kinh tế Việt Nam còn bấp bênh, rủi ro hiện vẫn cao. Cùng với tâm lý kém tin cậy vào đồng nội tệ, thì dự trữ vàng và ngoại tệ ngoài hệ thống ngân hàng là rất lớn. Vì vậy, Chính phủ cần thận trọng khi đưa ra quyết sách trong tương lai.

Theo đánh giá của ADB, mặc dù được cải thiện nhưng dự trữ ngoại hối của nước ta hiện chỉ tương đương khoảng 2 tháng xuất khẩu. Đây là mức dự trữ khá mỏng manh và quá thấp so với các nước trong khu vực. Thực tế này chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương trước những “cú sốc” từ bên ngoài. Tăng trưởng của nước ta hiện vẫn chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu. Năm 2011, số lượng và giá trị xuất khẩu đều tăng nên hỗ trợ khá nhiều cho GDP. Năm nay nếu xuất khẩu xấu đi chắc chắn rất dễ ảnh hưởng tới tăng trưởng. Một thách thức không nhỏ cũng dễ gây tổn thương cho nền kinh tế là những biến động về giá năng lượng và lương thực. Lý do là chỉ số tăng giá của nhóm hàng lương thực, thực phẩm của nước ta cao hơn so với các nước trong khu vực do yếu tố chi phí vận chuyển cao hơn, chi phí phân phối hàng hóa cao hơn. Kinh nghiệm cho thấy, “chữa trị” lạm phát và chữa đình trệ đều khó cả. Tuy vậy, cùng một lúc “chữa trị” cả lạm phát lẫn đình trệ còn khó gấp đôi. “Trị” lạm phát thường phải thắt chặt tiền tệ. Còn “trị” đình trệ thường là nới lỏng chính sách tiền tệ với việc hạ lãi suất.

Cùng một lúc phải “chữa trị” cả hai “căn bệnh”, quả thật là không dễ dàng. Bởi vì dường như hai “liều thuốc” gần như ngược nhau thậm chí “công” nhau.