Phải chăng Hải quân Nga đang tuột dốc?

ANTĐ - Tạp chí quốc phòng Anh Jane’s Defence Weekly số ra tháng 12 cho biết, xem xét tình hình trong mấy cuộc diễn tập gần đây cho thấy, dường như hải quân Nga đang dậm chân tại chỗ, thậm chí con đường phát triển của họ đường như đang quay lại mô hình như những thập niên đầu thế kỷ 20.

Hải quân Nga đang thụt lùi so với các cường quốc?

So sánh tương quan lực lượng trong cuộc diễn tập liên hợp trên biển giữa hải quân Nga và Trung Quốc hồi tháng 7 vừa qua, tuổi đời bình quân của 7 chiến hạm hải quân Trung Quốc là chưa tới 10 năm, lượng giãn nước từ 4.400-7.000 tấn, tương phản hoàn toàn với các tàu chiến của hải quân Nga với tuổi đời trên 30 năm, chủ yếu chế tạo dưới thời Liên bang Xô Viết. Nhìn vào cuộc diễn tập này, có người đã ví von: “Đây là cuộc tập trận chung giữa hải quân Liên Xô và Trung Quốc”.

Nhìn vào các trang, thiết bị trên các chiến hạm Trung Quốc, rất dễ nhận thấy tuy chúng cũng bao gồm những hệ thống vũ khí mua lại hoặc chế tạo theo kiểu Nga như: Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa RIF-M, tầm trung SHTILL nhưng chúng lại được hỗ trợ bởi những thiết bị thuộc dạng công nghệ tiên tiến trên thế giới như: Radar mảng pha điện tử, hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng…, đây là điều còn thiếu trên các chiến hạm Nga chế tạo theo kiểu cổ điển dưới thời Liên Xô.

Radar mảng pha điện tử, hệ thống phóng thẳng đứng kiểu phóng lạnh hiện không phải là điều gì quá ghê gớm trong xu thế phát triển hải quân thế giới thế kỷ 21, chúng là những thiết bị hỗ trợ tấn công và phòng thủ hữu hiệu trong tác chiến biển hiện đại, đang được các cường quốc hải quân trang bị ồ ạt và không ngừng nâng cấp, hiện đại hóa, thậm chí các nước đang phát triển cũng nhiều nước đã bắt kịp xu thế này. Trong khi đó, radar mảng pha điện tử trên hạm của Nga, tận cho đến triển lãm trang bị hải quân quốc tế St Petersburg 2013 mới bắt đầu xuất hiện.

Các chiến hạm cỡ lớn của hải quân Nga chủ yếu được đóng dưới thời Liên Xô

Còn về “vóc dáng” của chiến hạm, Nga hầu như không có chương trình đóng mới các chiến hạm hạng nặng mà chủ yếu là các kế hoạch chế tạo tàu chiến cỡ nhỏ (trên dưới 1.000 tấn) và một số ít chương trình chế tạo tàu chiến tầm trung như tàu tuần tiễu Project 22350 có lượng giãn nước trên 2.000 tấn (tổng cộng 3 tàu), kế hoạch đóng 6-7 tàu hộ vệ 4.600 tấn và một số tàu hộ vệ trên 2.000 tấn khác… Hơn nữa, những kế hoạch này đều đang ở trong tình trạng chưa hoàn thành, thậm chí vừa mới bắt đầu triển khai.

Hải quân Nga đang quay về thời đại “Hạm đội nhỏ”?

Trong cuộc hội thảo về xây dựng trang bị hải quân được tổ chức tại Triển lãm trang bị hải quân quốc tế St Petersburg 2013, ông Igor Zakharov phó chủ tịch của tập đoàn đóng tàu Liên Hợp (United Shipbuilding Corp, USC) đã đưa ra một số tư tưởng chủ đạo trong chiến lược phát triển trang bị cho hải quân Nga trong tương lai. Ông chỉ ra, cuộc triển lãm lần này, không xuất hiện mô hình chiến hạm cỡ lớn nào trên 5.000 tấn, đa phần là các tàu tác chiến ven bờ có lượng giãn nước từ 500-600 tấn là sự phản ánh tư duy mới trong tác chiến hải quân Nga.

Đặc biệt đáng chú ý là mô hình tàu hộ tống ven bờ Project 22500. Tuy nó chỉ có lượng giãn nước vẻn vẹn 500 tấn nhưng có đầy đủ sàn đáp trực thăng, hệ thống phóng thẳng đứng, cột buồm kiểu tháp bằng vật liệu tổng hợp…, thiết kế tổng quan có khả năng tàng hình rất tốt. Ông Zakharov cho biết, hiện nay tập đoàn đóng tàu Liên Hợp đang thiết kế rất nhiều loại chiến hạm cỡ nhỏ đa dụng, sử dụng trong nhiệm vụ chống hải tặc, đáp ứng nhu cầu tác chiến của hải quân Nga đối phó với những mối đe dọa mới trên biển.

Mô hình tàu hộ tống ven bờ Project 22500 của Nga

Jane’s đặt ra câu hỏi, chống hải tặc có phải là phương hướng phát triển chiến lược của một lực lượng hải quân hùng mạnh của một cường quốc lớn như Nga? Chiến hạm dùng để chống hải tặc có nhất thiết phải áp dụng các công nghệ hải quân tiên tiến như: Hệ thống phóng tên lửa hạm đối hạm, hệ thống phóng tên lửa hạm đối không kiểu thẳng đứng và tháp cột buồm bằng vật liệu tổng hợp thế hệ mới? Đây là điều cần phải đem ra mổ xẻ.

Bài viết đưa ra nhận định, xét về bản chất, dường như hải quân Nga đang ở trong thời kỳ rối loạn về phương hướng phát triển, chiến lược xây dựng hải quân Nga đang lặp lại con đường phát triển “hạm đội cỡ nhỏ” của những thập niên đầu thế kỷ 20. Khi đó, Nga phát triển một lực lượng hải quân quy mô nhỏ gồm chủ yếu là những chiến hạm cỡ nhỏ. Đó là thời đại mà lực lượng tác chiến biển chỉ là sự mở rộng phạm vi hoạt động ra biển của lực lượng lục quân.