Phải chấn chỉnh từ "vòng gửi xe"

ANTĐ - Dư luận cả nước đang dậy sóng trước những clip được đưa lên mạng xã hội về hành vi của một số bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương khi làm khó dễ lái xe cứu thương và người nhà bệnh nhân đưa bệnh nhân về. Chưa bàn đến việc có hay không sự câu kết của lực bảo vệ với đội ngũ “cò” xe cứu thương; nhưng rõ ràng những hành xử như vậy không chỉ không đúng mực mà còn thiếu tình người. 

Phải chấn chỉnh từ "vòng gửi xe" ảnh 1Ảnh: Internet

Đặc biệt, trong hoàn cảnh bệnh nhi đang thở những nhịp thở thoi thóp và gia đình chỉ có ước nguyện lớn nhất là bé được trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà nhưng vẫn bị lực lượng bảo vệ bệnh viện ngăn cản càng khiến dư luận phẫn nộ, thậm chí nhiều người cho rằng hành vi của những bảo vệ này là thất đức…

Ngay cả ban lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi xem xong những clip này cũng phải cảm thấy bức xúc, đau buồn và xấu hổ vì hành vi ứng xử vô văn hóa của lực lượng bảo vệ bệnh viện. Phía bệnh viện giải thích những nhân viên bảo vệ này không phải nhân sự thuộc quản lý của bệnh viện bởi được thuê hợp đồng từ một công ty bảo vệ. Ngay sau đó, bệnh viện cũng đã đình chỉ kíp bảo vệ trong ca trực đó, yêu cầu phía công ty bảo vệ chấn chỉnh tác phong làm việc. Có thể nói những động thái trên của phía Bệnh viện Nhi Trung ương là cần thiết, nhưng để hậu quả xảy ra mới xử lý thì vẫn là quá muộn. 

Trên thực tế, tại nhiều bệnh viện lớn, những năm gần đây đã quyết liệt đổi mới phong cách và thái độ phục vụ bệnh nhân của các bác sĩ, nhân viên y tế và nhận được sự hài lòng hơn của bệnh nhân. Tuy nhiên, có một điều mà không ít bệnh nhân và người nhà vẫn còn bức xúc, đó là thái độ của những nhân viên ở “vòng ngoài” bệnh viện như bảo vệ, trông xe... Những người này, đôi khi chưa được đào tạo chuyên nghiệp nên vẫn có thái độ hách dịch với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Trong khi đó, đội ngũ này do các bệnh viên thuê để làm việc đó nên khi có chuyện gì xảy ra thì lại đổ lỗi cho việc họ không phải nhân sự thuộc quản lý, không nằm trong “diện” chấn chỉnh tác phong, đạo đức làm việc của các bệnh viện. 

Vì vậy, khi vào một số bệnh viện, không ít bệnh nhân, người nhà lẫn khách đến thăm phải chật vật, bức xúc ngay từ “vòng gửi xe” bởi thái độ hách dịch, lớn tiếng… của nhân viên trông xe. Nhân viên bảo vệ có nhiệm vụ nhắc nhở bệnh nhân và người nhà đảm bảo các nội quy của bệnh viện, nhưng nhiều người lại tỏ thái độ trịch thượng, thiếu lịch sự…

Thậm chí có dấu hiệu một bộ phận bảo vệ cấu kết, bảo kê cho một số hãng taxi hay doanh nghiệp tư nhân cung cấp xe cứu thương để ép bệnh nhân phải sử dụng những dịch vụ giá cao hưởng lợi.

Vẫn biết những công việc này không mấy liên quan đến chuyên môn cũng như y đức nên không ít bệnh viện còn coi nhẹ, nhưng rõ ràng nó là một phần bộ mặt của bệnh viện. Tiến tới, khi các bệnh viện công đều lấy nguồn thu từ các bệnh nhân để trả lương cho nhân viên và phục vụ các hoạt động của mình, bệnh nhân sẽ phải được coi như khách hàng và bệnh viện chính là nhà cung cấp dịch vụ.

Để có dịch vụ tốt, thì đương nhiên phải đổi mới một cách toàn diện không chỉ cơ sở vật chất, chuyên môn, đạo đức của y, bác sĩ mà ngay cả những bộ phận vẫn được coi là “vòng ngoài” như trông xe, bảo vệ, lao công hay các dịch vụ ăn uống trong bệnh viện cũng cần đổi mới.

Lãnh đạo bệnh viện không thể sát sao từng hoạt động cụ thể, nhưng rất cần thiết phải có quy chế và chế tài xử phạt nghiêm khắc với cả những lực lượng này để răn đe, trước tiên là giữ gìn uy tín của bệnh viện, sau là phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mỗi khi đến bệnh viện thấy yên tâm hơn.