Phải chấm dứt tình trạng chỉ định thầu để minh bạch dự án BOT

ANTD.VN - Doanh nghiệp thu phí sau thảm mặt đường là đúng nhưng thu phí như làm đường mới thì lại không hợp lý.

Mức thu phí qua trạm BOT cần hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân

Hàng loạt bất cập của các dự án BOT giao thông đã được các nhà quản lý và doanh nghiệp đưa ra tại buổi tọa đàm “Phòng chống tham nhũng trong các dự án BOT” tổ chức ngày 7-9. Để chấm dứt sự “tù mù” trong các dự án này, phía doanh nghiệp cho rằng, phải tổ chức đấu thầu thay vì chỉ định thầu như hiện nay.

Thu phí bất hợp lý

Ngày 6-9, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra các dự án BOT. Đáng chú ý, kết luận chỉ ra phần lớn các dự án là cải tạo, nâng cấp tuyến đường cũ nhưng cơ chế thu phí hoàn vốn còn bất cập; giá thu phí cao, điều chỉnh không hợp lý; dự án chưa hoàn thành nhưng đã thu phí tương đương dự án đầu tư mới. 

Một trong những dự án BOT gây bức xúc gần đây là tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Mặc dù tuyến đường này chỉ được “thay áo mới” và sẽ mở rộng thêm 2 làn nhưng tổng mức đầu tư, mức phí thu còn cao hơn cả một số tuyến được xây mới. Bình luận về dự án này, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hiện nay, trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ đã thi công xong phần thảm và chỉnh sửa cấu hình mặt đường cũ.

Nhà đầu tư đang làm giai đoạn 2 là mở rộng thêm 2 làn. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, đây là trạm BOT đầu tiên có sự mâu thuẫn của các nhà đầu tư trong dự án. Cơ quan quản lý đã phát hiện sai phạm, một số cơ quan, đơn vị của nhà đầu tư đã cố tình không thực hiện đúng quy định về việc báo cáo kết quả kiểm xe, doanh số đếm xe. 

“Việc doanh nghiệp thu phí tại đây sau khi trải thảm mặt đường là đúng, nhưng việc thu phí như làm đường mới là không hợp lý, cần chỉnh sửa cho phù hợp, hài hòa. Việc đếm xe của các doanh nghiệp cũng phải làm đúng quy định của Bộ GTVT. Lưu ý, trên cả tuyến Pháp Vân - Ninh Bình, đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ có lưu lượng xe cao hơn đoạn Cầu Giẽ - Cao Bồ. Vì thế, các nhà đầu tư đã lợi dụng sơ hở này và tạo ra sự “lập lờ”, ông Nguyễn Đức Kiên nói.

Theo Bộ GTVT, mức phí đang áp dụng trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ là bình quân 1.500 đồng/km, tương tự như mức thu tại một số dự án: Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài - Lào Cai… và thấp hơn mức phí của  dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Mức phí áp dụng này đã được Bộ GTVT báo cáo Chính phủ và được chấp thuận. “Mức phí này cũng được áp dụng cho cả dự án khi hoàn thành giai đoạn 2. Trước khi đi vào thu phí, Bộ Tài chính đã chủ trì thẩm định, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương nên mức phí trên không có sai phạm”, đại diện Bộ GTVT lý giải. 

Đáng chú ý, không riêng gì trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ gây bức xúc, mà gần đây nhất, trạm thu phí trên quốc lộ 5, đoạn qua tỉnh Hưng Yên cũng có tình trạng lái xe phản đối. Trước đó, các trạm BOT như Cai Lậy, Quán Hàu, Bến Thủy, Quốc lộ 6, Tam Nông (Phú Thọ), Bờ Đậu (Thái Nguyên) đều xảy ra tình trạng tương tự. Điểm chung của những dự án BOT này là dù làm tuyến mới nhưng vẫn cố xin “tráng men” một đoạn trên các tuyến quốc lộ huyết mạch như Quốc lộ 3, Quốc lộ 1, Quốc lộ 32… để hợp thức hóa việc đặt trạm thu phí. 

Phát hiện nhiều sai sót

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, các dự án BOT không “tù mù” nhưng có sai sót. Theo kết quả báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án BOT, trong 50 dự án đã đi vào khai thác, có 8 dự án “có sai sót khiến người dân ở khu vực đặt trạm bức xúc, phản ứng”. 

Ông Đoàn Huy Vinh, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Chuyên ngành 2, Kiểm toán Nhà nước cũng cho hay, những năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán 60 dự án và thấy một số bất cập về cơ chế chính sách. Thứ nhất là quy định về thu phí, đa phần các dự án thu phí hở, tạo ra sự không công bằng. Ví dụ, một người đi đường ngắn phải trả phí bằng cả người đi hết đoạn đường BOT.

Thứ hai là vị trí đặt trạm (nhất là các trạm trước năm 2009) không đúng phạm vi dự án, khoảng cách giữa các trạm không đảm bảo 70km. Mặc dù có quy định là nếu dưới 70km thì phải có ý kiến địa phương và do nhu cầu kinh tế phát triển nhiều địa phương dễ thống nhất về vị trí dẫn tới tình trạng nhiều trạm không đủ khoảng cách. Thứ ba, tổng mức đầu tư chỉ dự toán chi phí nên không đủ cơ sở để tính phương án tài chính và khả năng hoàn vốn…

Bên cạnh đó, có một thực tế là các dự án BOT hiện nay đều được thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dư luận cho rằng dự án BOT chưa minh bạch. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng, nói các cơ quan chức năng không công khai thông tin là không đúng. 

Đối với các dự án BOT, theo quy định, nếu có 2 nhà thầu trở lên sẽ thực hiện đấu thầu, còn nếu chỉ có 1 nhà thầu thì áp dụng phương pháp chỉ định thầu. Thông tin đấu thầu đều được đăng trên website của Bộ GTVT và Báo Đấu thầu. Tuy nhiên, có thể do khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của doanh nghiệp và người dân chưa cao nên không nắm bắt được kịp thời.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Tân Việt Bắc nhìn nhận, giá trị các gói thầu giao thông quá lớn, hàng nghìn tỷ đồng nên doanh nghiệp trong nước khó có thể tham gia đấu thầu. Vì vậy, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đấu thầu, hướng tới công khai, minh bạch, ông Nguyễn Văn Bắc kiến nghị cần chia nhỏ các gói thầu để doanh nghiệp trong nước được tham gia đấu thầu, tránh trường hợp chỉ có một doanh nghiệp đủ năng lực tham gia dự án.