Phải "bôi trơn" nhiều, doanh nghiệp chậm lớn

ANTĐ - Báo cáo mới nhất về “Hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, doanh nghiệp thuộc 3 lĩnh vực: da giày, ngân hàng và chế biến lương thực, thực phẩm bị các cơ quan Nhà nước gây khó khăn nhiều nhất. 

Phải "bôi trơn" nhiều, doanh nghiệp chậm lớn ảnh 1Tham nhũng trong kinh doanh khiến doanh nghiệp chậm phát triển

Thuế, phí - gánh nặng của doanh nghiệp

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nêu câu hỏi: “Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chậm phát triển?”. Tự đưa ra câu trả lời, bằng cách dẫn số liệu nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), bà Phạm Chi Lan nói: “Thuế và phí doanh nghiệp phải chịu quá cao, chiếm tới 40,8% tổng lợi nhuận. Con số này ban đầu cũng có người không tin, nhưng sau đó tôi xác minh lại từ đại diện của một Bộ thì ông này thừa nhận đúng. Hệ thống phí của Việt Nam rất nặng nề, trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp. Thêm vào đó, số tiền doanh nghiệp Việt Nam phải chi “bôi trơn” chiếm từ 0,72-1,02% lợi nhuận của doanh nghiệp. Như vậy sao doanh nghiệp có thể phát triển được!”. 

Thực tế cho thấy, từ năm 2000-2012, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới rất đông, tăng về lượng nhưng quy mô lại nhỏ dần. Điển hình là khu vực kinh tế tư nhân, đóng góp 33,21% vào nền kinh tế nhưng đa số là doanh nghiệp… siêu nhỏ. Không ít doanh nghiệp vừa đăng ký hoạt động năm trước, năm sau đã ngừng hoạt động. Khi hội nhập quốc tế, tính bền vững của khu vực này được đánh giá rất thấp.

“Từ năm 2007-2012, chúng tôi kỳ vọng khu vực doanh nghiệp tư nhân chính thức ở Việt Nam phát triển hơn, giảm chi phí chính thức. Nhưng rất tiếc, điều đó không xảy ra… Thực tế hiện nay cho thấy, minh bạch và liêm chính là yêu cầu vô cùng quan trọng, là yếu tố sống còn  với doanh nghiệp” - bà Phạm Chi Lan nói.

Đồng quan điểm này, ông Florian Beranek - chuyên gia cao cấp về trách nhiệm xã hội (UNIDO) cho rằng: “Liêm chính tạo ra một không gian rộng mở cần thiết cho sáng tạo và đổi mới. Nói cách khác, liêm chính là một yếu tố phải có đối với những doanh nghiệp muốn tăng vị thế trong chuỗi sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng”.

Nhũng nhiễu dễ gặp ở nhiều lĩnh vực

Theo báo cáo “Hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh”, khi giao dịch với các cơ quan Nhà nước (thuế, hải quan…), tỷ lệ doanh nghiệp thỉnh thoảng gặp khó khăn là 43% và thường xuyên gặp là 5%. Điều này quan hệ logic với tỷ lệ doanh nghiệp phải chịu chi phí không chính thức để được việc.

Hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành: da giày, ngân hàng và chế biến lương thực, thực phẩm có tần suất gặp hành vi gây khó khăn của cán bộ thuộc các cơ quan Nhà nước cao nhất, với tỷ lệ tương ứng là 53%, 50% và 48%. Xét về loại hình doanh nghiệp, công ty liên doanh là đối tượng bị cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Nhà nước “vòi vĩnh” nhiều nhất, với tỷ lệ doanh nghiệp thỉnh thoảng gặp tình trạng này là 60%, thường xuyên gặp là 20%. Bên cạnh đó, các công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam 100% vốn tư nhân vẫn thường xuyên bị làm khó dễ. Ngược lại, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và doanh nghiệp có một phần vốn Nhà nước lại chỉ “thỉnh thoảng gặp”.

Liêm chính và minh bạch trong kinh doanh đang cần thiết hơn bao giờ hết khi Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thích ứng với hội nhập. Muốn doanh nghiệp lớn mạnh thì thuế, phí và chi phí không chính thức phải giảm xuống. Cùng với đó, cạnh tranh giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp dân doanh phải công bằng, minh bạch.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh: “Liêm chính và minh bạch thực ra là lõi của quản trị kinh doanh. Nó tạo ra nền tảng cho việc tạo dựng giá trị trong kinh doanh, đưa hoạt động của doanh nghiệp theo quy trình tuân thủ những giá trị đạo đức, chuẩn mực nhất định của một tổ chức, một quốc gia và cao hơn nữa là quốc tế. Săn tìm lợi nhuận ở “vùng nước đục” là cách làm đã lỗi thời và chỉ mang tính ngắn hạn. Giờ đây, cơ hội thực sự chỉ dành cho những doanh nghiệp có cái nhìn dài hạn và luôn theo đuổi giá trị phát triển bền vững”.