- Đây là nỗi kinh hoàng không ngòi bút nào có thể tả xiết. Bác không nhớ lần vỡ đê năm Ất Dậu 1945 ư, nhà cửa ruộng vườn tan hoang hết cả, số người bị nước lũ cuốn trôi, số người chết đói sau đó lên tới hơn hai triệu người. Đây là thảm kịch lớn nhất trong lịch sử dân tộc đấy.
- Thông thường, gặp hiện tượng như thế, người ta phải tránh cho xa, vậy mà hôm vừa rồi, khi đê bao ngăn triều cường tại thành phố Hồ Chí Minh bị vỡ, người ta đã chứng kiến cảnh một ông chủ tịch quận lao xuống dòng nước cùng dân cứu đê đấy.
- Chắc trong đó nóng, nhân thể ông ấy xuống tắm thôi. Quan chức họ bận lắm, có mấy khi được nghỉ mát đâu. Được tắm biển không mất tiền sướng quá còn gì.
- Bác chỉ suy diễn vớ vẩn, bác phải nhìn cái cảnh ông ấy ngụp lặn dưới dòng nước biển đen đặc, rác rến quấn đầy người, mới thấy được hết cái tâm và đức hi sinh của vị cán bộ này.
- Tôi đùa một chút thôi. Qua những điều bác vừa tả, trong đầu tôi lại hiện lên hình ảnh dịp lũ lụt ở miền Trung năm ngoái. Đoàn cán bộ đến thăm hỏi, động viên nhân dân mà “cưỡi” ô tô bóng loáng, mặc áo trắng là thẳng li, ngào ngạt nước hoa đắt tiền, trông cứ thế nào ấy.
- Đi làm từ thiện mà ăn mặc rách rưới ai người ta đến nhận quà. Họ phải đi ô tô để nếu chẳng may có lũ tràn về đột xuất thì còn có xe chở người dân chạy trốn chứ.
- Cũng chẳng cần chu đáo đến mức đó. Chỉ có điều khi thấy cảnh người dân gặp thiên tai, địch họa, thì phải biết ra tay cứu người hàng ngày đóng thuế nuôi mình, như ông chủ tịch quận nói trên là được, bác nhỉ.