Phải biết cách tận dụng người giỏi

ANTĐ - Dự kiến hôm nay 4-4, phái đoàn VFF sẽ sang Nhật Bản để dự hội thảo bóng đá, đồng thời nhờ Liên đoàn bóng đá nước này giới thiệu người làm HLV trưởng và rất có thể thêm cả một Giám đốc kỹ thuật cho các ĐTQG.

Sau Tanaka Koji, nhiều chuyên gia Nhật khác sẽ được mời sang Việt Nam giúp việc

Chuyện xưa, chuyện nay

Theo lời kể của cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang, những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, đại diện bóng đá Nhật Bản trong một lần sang Việt Nam đá giao hữu đã tặng một chiếc giày nhỏ với lời nhắn nhủ: “Bóng đá Nhật Bản so với bóng đá Việt Nam chỉ như chiếc giày nhỏ này thôi”. Đó là thời gian bóng đá Việt Nam có ông Tam Lang được coi như trung vệ xuất sắc nhất châu Á, còn bóng đá xứ sở Hoa anh đào chưa có tên trên bản đồ khu vực, chứ chưa nói đến châu lục. Thế nên nghe chuyện “chiếc giày nhỏ”, nhiều cầu thủ của ta thời đó hãnh diện lắm. 

Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ, để hoài niệm chứ chẳng tự hào nổi khi bóng đá Nhật Bản nay được cả thế giới khâm phục bởi sự phát triển thần tốc. Họ có giải VĐQG hàng đầu châu lục, có ĐTQG giành vé dự nhiều kỳ World Cup và xuất khẩu cầu thủ sang các giải đấu hàng đầu thế giới. Còn bóng đá Việt Nam, hơn 50 năm sau khi nhận “chiếc giày nhỏ” của người Nhật vẫn chôn chân ở vùng trũng Đông Nam Á. Sự kiện Công Vinh được một CLB giải hạng 2 Nhật Bản chiêu mộ - dù thường xuyên ngồi dự bị - cũng được lấy làm tự hào (!?), đủ thấy sự chênh lệch đẳng cấp giữa 2 nền bóng đá đã khác xưa quá nhiều. Và tới đây, lãnh đạo VFF phải mang bút sách sang Nhật học hỏi.

Học gì ở người Nhật?

VPF vừa thuê chuyên gia Tanaka Koji làm Trưởng giải V-League còn tới đây, VFF cũng nhờ LĐBĐ Nhật giới thiệu người vào các vị trí trọng yếu như Giám đốc kỹ thuật, HLV trưởng các ĐTQG và mời giảng viên người Nhật sang dạy trọng tài Việt cách cầm còi ở V-League. Người Nhật xưa nay vẫn nổi tiếng bởi ý thức chuyên nghiệp, tính kỷ luật và sự chăm chỉ. Song, có một viện dẫn mang tính tham khảo là hầu hết các CLB ở Nhật và cả ĐTQG nước này thường không sử dụng “người nhà” làm HLV trưởng bởi cách cầm quân quá lành, cầu toàn và thiếu sự đột phá. Nói thế để thấy, người Nhật cũng nhìn ra những điểm yếu của  mình và trong lúc chưa thể khắc phục thì họ tìm tới những HLV đẳng cấp của châu Âu, châu Mỹ để đạt mục đích. 

Cách VFF tới đây sang Nhật nhờ giới thiệu người tài cũng không khác gì. Vấn đề là ở bóng đá Nhật, những chủ tịch, Tổng thư ký Liên đoàn là người bản địa luôn biết cách phát huy, tận dụng nhân tài ngoại quốc thuê về và vẫn làm chủ trong các định hướng phát triển nền bóng đá quốc gia. Đó là điều mà VFF nên hướng tới để học theo, chứ không phải “Nhật hóa” bóng đá Việt bằng việc thuê thật nhiều chuyên gia Nhật về rồi để họ làm chủ nền bóng đá Việt và càng không phải cứ không thích là lại “trảm”, như đã từng sa thải không thương tiếc một số HLV ngoại trước đây. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng có phát biểu tâm đắc: “Một chủ tịch giỏi là người quản lý giỏi những người giỏi”. Và giờ người ta đang chờ ông thể hiện điều đó.