Phác thảo "thiên đường Sanh" trên giường bệnh viện K

ANTD.VN -  “Hải Phòng có Phạm Ngọc Lâm. Một đời cặm cụi gò đồng thành tranh”. Nghe bạn bè giới thiệu mới hay, họa sĩ Phạm Ngọc Lâm đã được ông nội và bố dạy vẽ và truyền nghề điêu khắc từ bé. Ông nội anh là họa sĩ Phạm Ngọc Khâm, tốt nghiệp Mỹ thuật Đông Dương thời Pháp thuộc.          

Khi bước vào quân ngũ năm 1962, chàng thanh niên Phạm Ngọc Lâm đã từng có hơn chục năm cầm cọ và thành thạo việc gò thúc tranh đồng, theo nghề truyền thống gia đình ở Hải Phòng. Anh được đơn vị cử ra mặt trận, trực tiếp cầm súng chiến đấu và ký họa hình ảnh chiến sĩ.

Sau này về đơn vị hậu cần, anh mở lớp dạy vẽ cho chiến sĩ, với ước vọng huy động tài năng trẻ cùng sáng tác về cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc. Anh cùng các chiến sĩ trẻ say mê vẽ và dựng tượng, khắc họa với nhiều góc cạnh độc đáo, dữ dội tràn đầy tâm huyết. Bảy năm sau, Phạm Ngọc Lâm được đơn vị cử đi học trường Đại học Mỹ thuật.

Sau khi tốt nghiệp năm 1974, họa sĩ Phạm Ngọc Lâm trở lại đơn vị, tiếp tục sáng tác. Nhiều bức tượng, như còn đượm hơi thở chiến tranh cùng với phong cách mạnh mẽ, gồ ghề của chàng trai Hải Phòng đã để lại dấu ấn khó quên. Người xem có thể nghiệm thấy rõ ở bức gò đồng “Voi Trường Sơn” của anh với khổ lớn (1,4mx2,1m); hoặc sau này là “Lời của biển”, Giải thưởng đặc biệt trong triển lãm điêu khắc 10 năm (2003); tác phẩm điêu khắc gò đồng “Ước vọng” với khổ cực lớn (300cmx500cm)… Anh được kết nạp vào Hội Mỹ thuật năm 1980 và trở thành nhà điêu khắc chuyên nghiệp từ đó. 

Năm 1984, họa sĩ Phạm Ngọc Lâm xuất ngũ với chất độc da cam trong người. Nhưng tình yêu hội họa, cùng niềm khát khao sáng tạo nghệ thuật trong anh đã át đi tất cả.

Bài ca về “Giọt nước mắt của biển”

Ít ai ngờ, người nghệ sĩ, chiến sĩ Phạm Ngọc Lâm mỗi ngày một thăng hoa với sức sáng tạo không ngơi nghỉ. Quên đi những di họa chiến tranh, họa sĩ Phạm Ngọc Lâm lao vào cuộc chiến mới. Nói là cuộc chiến, bởi cái nghề điêu khắc đòi hỏi sức lực mạnh mẽ trong lao động, cũng đầy mồ hôi và nước mắt; cùng với khói lửa trong việc “luộc đồng” và dát đồng khi còn đỏ lửa… Thêm vào đó là sự lao động trí tuệ qua tư duy tạo hình và bố cục tác phẩm. Các chất liệu hết sức phong phú với điêu khắc. Nào đất đá, xi măng. Nào sắt thép, đồng, nhôm, inox, gỗ hay gốm sứ…  

Chính với sự say mê sáng tác, phát huy nghề gò đồng độc đáo mà Phạm Ngọc Lâm chinh phục được người xem bằng vẻ đẹp tinh tế. Nhiều hình tượng của anh được thể hiện trên những bố cục hết sức hoành tráng trong bức tranh phù điêu. Tác phẩm điêu khắc nào của anh cũng thể hiện một sức vạm vỡ, nhưng không kém phần lãng mạn tựa như những làn sóng biển cồn cào, trong bốn chiều không gian hữu hạn. Hàng loạt giải thưởng cả trong nước và quốc tế được trao về tay Phạm Ngọc Lâm . 

Ngoài những tác phẩm tranh gò đồng, Phạm Ngọc Lâm còn thể hiện sự độc đáo của mình qua tượng khối cao, với những chất liệu khá đa dạng. Nhiều người đều nhớ đến bức “Ban nhạc đồng nát” rất mới lạ của anh. Người xem thích thú từ hình khối đến bố cục tác phẩm. Dường như họ cảm nhận được tính triết lý, trong những âm thanh câm lặng, bay lên từ những chiếc loa kèn.

Vượt qua sự hoang tàn, sự sống luôn luôn tươi mới, tràn đầy niềm tin yêu. Nếu ai nhìn họa sĩ Phạm Ngọc Lâm hòa trong “Ban nhạc đồng nát” đều thấy rõ sức mạnh tiềm tàng và vĩnh cửu của sự sống.

Đây là một tác phẩm điêu khắc, kết hợp với nghệ thuật sắp đặt, cất lên tiếng ca bất tận của cuộc sống. Một bản nhạc được hòa tấu những âm thanh rạo rực, mơ mộng, tràn ngập nụ cười. Vượt qua sự hoang tàn, sự sống luôn luôn tươi mới, tràn đầy niềm tin yêu. Nếu ai nhìn họa sĩ Phạm Ngọc Lâm hòa trong “Ban nhạc đồng nát” đều thấy rõ sức mạnh tiềm tàng và vĩnh cửu của sự sống.

Anh từng kể, đã phải tốn mất bao nhiêu thời gian lặn lội, kiếm tìm đây đó những chiếc kèn cũ và hỏng. Thế là Phạm Ngọc Lâm cất công lọ mọ khắp chốn, không kể tốn kém tiền bạc, không nề hà khó khăn trên mọi nẻo đường. Dần dần, những chiếc kèn đồng cũ được tập hợp lại, tựa một binh đoàn đầy sức mạnh. Chúng cất lên âm thanh trong linh cảm, ngân vang, làm rạo rực tâm hồn người xem. 

Năm 2007, Phạm Ngọc Lâm tham gia trại sáng tác điêu khắc quốc tế được tổ chức ở Hòn Dáu, Hải Phòng. Tác phẩm “Giọt nước mắt biển” (Đá xanh) của anh đã gây xúc động lòng người. Hình tượng mặt người đàn bà ngước lên trời, cằm vươn cao hướng về phía xa đón những giọt nước mặn mòi của biển cả.

Trong khối đá mặt người đó ẩn chứa sự khát khao niềm vui sống bao la của người dân miền biển. Đó là cái nhìn ngóng ra biển khơi chờ đợi sự trở về. Đôi mắt người phụ nữ sẵn sàng đón nhận mọi đổi thay của thiên nhiên, trời đất để nuôi dưỡng nguồn vui sống cho hạnh phúc đang tồn tại. Hiện tác phẩm được trưng bày trong công viên nhìn ra biển Đồ Sơn.

Phù điêu gò đồng “Voi Trường Sơn” 

“Thiên đường Sanh” chạy đua với thời gian

Cách đây gần 3 năm, khi nằm chữa trị căn bệnh hiểm nghèo tại bệnh viện K-Hà Nội, họa sĩ Phạm Ngọc Lâm chỉ nghĩ tới những dự án nghệ thuật của mình. Một loạt phác thảo được hình thành bên giường bệnh. Dường như có một cuộc chạy đua với thời gian của họa sĩ ở tuổi 77 này.

Anh quên đi hoạn nạn thường nhật, trong đầu chỉ nghĩ tới tác phẩm “Thiên đường Sanh” được phát lộ, với những ký ức chiến tranh không thể phai nhòa. Khe Sanh không còn là chiến trường khốc liệt năm nào mà là thiên đường của sự sống. Đó là một tác phẩm gò đồng, với kích thước lớn (280cmx420cm), khoảng 12 tấn đồng. 

Đáng chú ý, cùng với những dự án lớn như tượng “Tháp Biển Đông” (cao 350m) trong tương lai, họa sĩ Phạm Ngọc Lâm còn tập trung sáng tác tượng với chủ đề kêu gọi lương tri ủng hộ, đồng hành với những người bị nhiễm chất độc da cam, thứ gây ra căn bệnh đeo đuổi suốt cuộc đời anh. Với họa sĩ Phạm Ngọc Lâm, giờ đây thời gian là vô thường. Bệnh tật là vô thường. Bởi anh đang thiền với thiên đường nghệ thuật của mình, cùng suối nguồn cảm xúc, không bao giờ vơi cạn.