Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII:

Phá thế độc quyền giá điện

ANTĐ - Ngày 6-6, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có các quy định bắt buộc ngành điện phải minh bạch hóa giá thành điện để người tiêu dùng có thể yên tâm khi thanh toán hóa đơn hàng tháng.

Nhà nước cần quản lý chặt hạ tầng mạng, trạm phát, hệ thống phân phối của EVN

ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nhận xét: “Vấn đề bức xúc nhất của ngành điện hiện nay là độc quyền và người tiêu dùng chịu thiệt thòi”. Ông nêu vấn đề, ngành điện bị lỗ nặng nhưng lương vẫn cao. Tiền lương này cũng từ giá điện mà ra. Ông nói: “Lương của nhân viên điện lực được xây dựng trên cơ sở quy định trong mỗi số điện bán ra có một tỷ lệ phần trăm nhất định. Điều lạ là kinh doanh lỗ nhưng lương vẫn cao trong khi lẽ ra phải thấp”. ĐB tỉnh Thái Nguyên cho rằng, phải quy định chặt chẽ hơn giá bán buôn điện. Nếu cần thiết có thể điều chỉnh khung giá điện để đảm bảo lợi ích người tiêu dùng.

Có cùng góc nhìn, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, giá xăng dầu, điện đang gây nhiều bức xúc, phản ứng của cử tri, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện nay. Nguyên nhân của bức bối này là do người dân chưa thấy sự minh bạch trong cơ cấu hình thành giá điện đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) áp dụng. ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị, cần quy định rõ ngành điện phải có báo cáo kiểm toán độc lập hàng năm chứ không phải báo cáo tài chính thông thường: “Đó là cơ sở để tính giá thành điện, nếu không sẽ tái diễn việc đầu tư ra ngoài ngành không hiệu quả của ngành điện và người tiêu dùng lại phải gánh”.

ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) băn khoăn việc dự luật quy định EVN là nửa doanh nghiệp, nửa đơn vị công ích. Điều này vô hình trung tạo cho EVN thế độc quyền. Ở đây, cần “sòng phẳng” về hạ tầng mạng, trạm phát, hệ thống phân phối Nhà nước nên quản lý và quy định mức giá. Có như vậy mới giảm được số lần tăng giá. Nhà nước cũng cần quản lý khâu mua điện để đảm bảo đúng giá thị trường và bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư được bán đúng giá. ĐB Nguyễn Quốc Bình thẳng  thắn: “Luật phải làm rõ EVN đang làm thuê cho Nhà nước chứ không phải là độc quyền”.

Cùng có mối lo về giá điện sẽ bị “đội lên”, nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, nên bỏ bớt các loại phí liên quan đến điện lực. ĐB Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Không minh bạch và lạm dụng nhiều loại phí sẽ dẫn đến phí chồng phí và người dân lĩnh đủ. Đáng ra, cần thêm quy định về tổ chức hệ thống và phân phối điện để có thể khuyến khích thành phần kinh tế đầu tư sản xuất phân phối điện”.

Nhiều ĐBQB ủng hộ phương án “giá điện phải có sự điều tiết của Nhà nước”. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng, nếu chưa xây dựng được các đối tác cạnh tranh bình đẳng với EVN thì việc thực hiện cơ chế thị trường sẽ rất khó. Một số ý kiến khác cho rằng, Luật Điện lực cần sửa theo hướng làm rõ chủ trương tái cơ cấu một cách mạnh mẽ ngành điện trong bối cảnh ngành này còn quá nhiều vấn đề. ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) phát hiện dự luật chưa đề cập đến điện hạt nhân là thiếu sót vì đây là vấn đề người dân đặc biệt quan tâm. Bà nói: “Nếu không bổ sung ngay thì đến năm 2014-2015 lại phải sửa tiếp và tái diễn luật mãi chạy theo thực tế”.

ĐB Ngô Văn Hùng (Lào Cai) kiến nghị, dự luật cần quy định chi tiết vấn đề quy hoạch từ phát triển về thủy điện, nhiệt điện. Đặc biệt, quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ nên tính toán lại để tránh việc phá vỡ môi trường. Cùng quan điểm, ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) nêu ví dụ người dân hạ lưu sông Thu Bồn (Quảng Nam) đang khốn đốn vì hạn hán do nhà máy thủy điện giữ nước lại để ưu tiên phát điện. Ông nói: “Nước là tài nguyên của quốc gia nên không thể vì lợi ích nhóm của số ít mà bỏ qua lợi ích của đa số người dân”.

“Luật phải làm rõ EVN đang làm thuê cho Nhà nước chứ không phải là độc quyền”. ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội).

Ngày 6-6, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, ĐB Nguyễn Đức Chung, Đại tá, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng, sự tham gia của luật sư ngay từ đầu là rất tốt, đảm bảo yếu tố khách quan và quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng, tránh oan sai cho các cơ quan tố tụng. Đại tá Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị, cần quy định chặt chẽ việc các đối tượng là điều tra viên, kiểm sát viên tham gia làm luật sư. Ngoài ra, các trường hợp đã xóa án tích nghiêm trọng cũng không nên cho phép hành nghề luật sư.