Phá thai theo chỉ định của bác sĩ vẫn được hưởng bảo hiểm y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bạn đọc hỏi: Vợ tôi mang thai được 10 tuần. Mới đây, do sức khỏe yếu vợ tôi phải nhập viện và sau khi khám, bác sĩ chỉ định vợ tôi phải phá thai do thai nhi có bệnh lý. Trong trường hợp này, vợ tôi có được hưởng chế độ bảo hiểm y tế không, thưa luật sư?  Đặng Đức Long (Hải Phòng)
Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Lê Hồng Vân trả lời:

Điều 23, Luật Bảo hiểm y tế quy định các trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế gồm: Chi phí trong trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 21 đã được ngân sách nhà nước chi trả; Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng; Khám sức khỏe; Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị.

Ngoài ra, việc sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ; Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ; Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt; Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng cũng không được hưởng bảo hiểm y tế.

Đối chiếu quy định trên, vợ bạn vẫn được hưởng bảo hiểm y tế. Điều 33, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nêu rõ, khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa là: 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần tuổi; 20 ngày nếu thai từ 5 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi.

Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.