Phá thai 31 tuần tuổi là vi phạm pháp luật?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Như Báo ANTĐ đã đưa tin, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội đã cứu sống thành công một thai nhi bị phá bỏ khi đã 31 tuần tuổi, nặng 1,6 kg, nhập viện trong tình trạng khá nguy kịch. Trẻ sơ sinh này được một nhóm thiện nguyện đưa đến từ một cơ sở nạo phá thai.

Sự việc trên đã khiến dư luận xót xa, lo lắng trước tình trạng nạo phá thai diễn ra ngày càng phổ biến. Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, phá thai là chủ động sử dụng các phương pháp khác nhau để chấm dứt thai trong tử cung cho thai đến hết 22 tuần tuổi.

Khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989 quy định, phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, được theo dõi sức khoẻ trong thời kỳ thai nghén, được phục vụ y tế khi sinh con tại các cơ sở y tế.

Song theo Điều 10 Nghị định 104/2003/NĐ-CP, loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Như vậy, việc nạo phá thai vẫn được pháp luật Việt Nam đồng ý theo nguyện vọng của người phụ nữ, nhưng nghiêm cấm phá thai vì giới tính của thai nhi.

Thai nhi 31 tuần bị vứt bỏ ở cơ sở phá thai đã được cứu sống

Thai nhi 31 tuần bị vứt bỏ ở cơ sở phá thai đã được cứu sống

Bên cạnh đó, Quyết định số 4620/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản” nêu rõ, tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là vi phạm pháp luật.

Từ các quy định trên có thể thấy, mọi hành vi phá thai trên 22 tuần tuổi, phá thai do lựa chọn giới tính thai nhi đều bị nghiêm cấm. Hành vi nạo phá thai khi thai nhi đã 31 tuần tuổi là vô cùng nhẫn tâm, đáng lên án. Với trường hợp này cần làm rõ nguyên nhân phá thai; cơ sở nạo phá thai có được cơ quan có thẩm quyền cấp phép không, có gây hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của người khác không mới có căn cứ xử lý - Luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.

Về xử lý hành chính, cá nhân phá thai vi phạm quy định sẽ bị xử phạt theo Điều 84 Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Theo đó, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi. Phạt tiền từ 5-7 triệu đồng với hành vi dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính…Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng với hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội phá thai trái phép.

Điều 316 BLHS 2015 quy định, người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ -3 năm: Làm chết người; Gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61-121%; Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Phá thai sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý, thậm chí là tính mạng của người phụ nữ, tạo ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Do vây, trước khi đưa ra quyết định tước đi mạng sống của con mình, mỗi cá nhân cần phải suy nghĩ thận trọng kẻo phải mang theo nỗi day dứt, ân hận đến suốt đời - Luật sư Nguyễn Thị Thu khuyến cáo.