Phá sản vì gom hết tiền đi nuôi giun

ANTĐ - Hàng chục hộ dân trên địa bàn huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang lâm vào cảnh nợ nần, phá sản sau hơn một năm dốc hết vốn liếng, vay mượn tiền đầu tư vào trang trại nuôi giun cao sản.

Khi con giun làm đầu cơ nghiệp

Những hộ dân nuôi giun cho biết, cách đây gần một năm, nhân viên của Công ty cổ phần Thương mại – Du lịch Hùng Vương, có trụ sở đóng tại huyện Đông Anh – Hà Nội về các xã thuộc huyện Can Lộc giới thiệu mô hình nuôi giun cao sản kỹ thuật đơn giản, lợi nhuận cao. Phía công ty đảm nhận khâu tư vấn kỹ năng nuôi, cung cấp con giống, chế phẩm thức ăn và cam kết sẽ thu mua sản phẩm 100%. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm đầu tư nuôi giun, lợi nhuận chẳng thấy đâu, những người nông dân lại phải oằn lưng gánh những khoản nợ lớn. Công ty không về thu mua như cam kết, giá các loại chế phẩm nuôi giun quá cao khiến người nuôi điêu đứng.

Dẫn chúng tôi ra trại giun, anh Nguyễn Trường Giáp (42 tuổi, trú tại xóm 9 – xã Gia Hanh) nghẹn ngào: “Trắng ta rồi anh à, biết kêu ai bây giờ. Hôm qua ngân hàng đòi tiền mà không có trả, nếu họ tịch thu nhà cũng phải chịu thôi, biết kêu ai bây giờ. Con bé đầu học lớp 9 cũng đã phải bỏ học, đang cùng mẹ vào miền nam để kiếm việc làm”.

Phá sản vì gom hết tiền đi nuôi giun ảnh 1
Trang trại giun của anh Nguyễn Trường Giáp đầu tư hơn 180 triệu đồng, nay lâm vào ngõ cụt

Anh Giáp cho biết, sau khi được nhân viên Công ty Cổ phần Thương Mại – Du lịch Hùng Vương giới thiệu về mô hình nuôi giun cao sản, anh thấy rất khả thi nên đã bàn với vợ, quyết định đầu tư vào giun. Gia đình anh đã phải đi vay mượn của người thân, thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngân hàng để có 180 triệu đồng xây dựng trang trại, mua con giống, đất nền, máy xay thức ăn… Tháng 4-2012, cả nhà phấn khởi vì công ty về thu mua cho gia đình anh 370kg, với giá 135 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí, thuốc chế phẩm… cho công ty, gia đình anh còn thu lãi gần 15 triệu đồng. Uớc mơ thoát nghèo chưa kịp lóe sáng đã bị dập tắt không bao lâu sau đó.

Để trả nợ, vợ và đứa con gái đầu của anh phải vào miền nam làm công nhân, còn anh ở nhà ban ngày đi làm phụ hồ, đêm về tranh thủ đi thả rúm kiếm mớ tôm, mớ cá về bán nuôi mấy đứa nhỏ.

Theo cam kết, cứ 3 tháng phía công ty sẽ về thu mua một lần. Nhưng sau đó, theo yêu cầu của công ty nên hồi tháng 8-2012, anh cùng một hộ anh Lê Đồng (bên xã Mỹ Lộc) thuê xe tải chở 8 tạ giun ra Hà Nội. Tại đây, họ thu mua với giá 140 ngàn đồng/kg, mà lại không bàn giao tiền mà bảo sẽ chuyển tiền về sau. Chờ mãi không thấy, anh Giáp gọi điện thoại vào số máy bàn của công ty thì bảo phải chờ, còn gọi vào số di động của ông Nguyễn Mạnh Khương – Tổng Giám đốc công ty thì ông này không nghe máy.

Cách nhà anh Giáp chưa đầy 100m là trang trại nuôi giun của anh Đoàn Ngọc Lam. Anh Lam bức xúc: “Tiền phế phẩm nuôi giun thì nhiều. Lứa đầu có lãi chút ít, lứa thứ 2 lỗ và đến lứa thứ 3 không thấy công ty về thu mua, liên lạc với họ thì không được, giun không biết bán cho ai. Đầu tư cả trăm triệu nhưng cũng đành đem giun cho vịt ăn”.

Cũng là nạn nhân của mô hình nuôi giun cao sản, năm 2011, gia đình chị Trần Thị Đơn, trú tại xóm 10 – xã Vượng Lộc bán đàn lợn được hơn 50 triệu đồng, thế chấp "sổ đỏ", vay thêm 200 triệu từ ngân hàng, đầu tư mở trang trại nuôi giun. Trang trại giun của gia đình chị bán được hai đợt với số tiền 41 triệu đồng, trừ tiền giống, thuốc chế phẩm công ty bán để nuôi giun, chị còn lỗ 4 triệu đồng.

Lần gần đây nhất, theo yêu cầu của công ty, chị đưa 73kg giun ra Hà Nội nhập, nhưng lại bị công ty nợ tiền, đến nay vẫn chưa trả. Cùng chung cảnh ngộ với hộ anh Giáp, anh Lam, chị Đơn là hộ anh Đặng Huề, Phan Văn Đồng, Phan Phương (xã Mỹ Lộc), ông Trần Hà (xã Phúc Lộc)…

Phá sản vì gom hết tiền đi nuôi giun ảnh 2
Công ty CP TM - DL Hùng Vương “bịp” người dân bằng bản hợp đồng không có giá trị pháp lý

Cần phải cảnh giác!

Bằng chiêu thức của mình, chỉ trong một thời gian ngắn, Công ty CP Thương Mại – Du lịch Hùng Vương đã dụ dỗ được khoảng 50 hộ dân ở Hà Tĩnh và Nghệ An tin theo, vay mượn tiền để đầu tư trang trại nuôi giun cao sản dẫn đến phá sản. Trong đó, nhiều nhất là huyện Can Lộc có đến 15 hộ, tập trung các xã như: Mỹ Lộc, Phúc Lộc, Vượng Lộc, thị trấn Nghèn, Gia Hanh… Giun nuôi lớn nhưng công ty không về mua, chi phí thì lớn. Trong số các hộ trên, có hộ đành đưa giun cho cá ăn, vịt ăn. Nhưng có hộ đang nuôi cầm chừng, với hy vong mỏng manh là công ty sẽ về mua theo đúng cam kết trong bản hợp đồng đã ký.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Nghĩa – Phó trưởng phòng NN & PTNT huyện Can Lộc cho biết: “Vừa rồi chúng tôi cũng nhận được đơn thư của các hộ nhờ can thiệp. Tuy nhiên mô hình nuôi giun là các hộ tự ký với Công ty cổ phần Thương mại – Du lịch Hùng Vương, không hề qua chính quyền địa phương. Các bản hợp đồng trên không đầy đủ thủ tục, không có giá trị về mặt pháp lý, nên dù thương người dân lắm, nhưng chúng tôi cũng đành bó tay. Gần đây, một số người dân ở Can Lộc còn bị một số đối tượng ở các tỉnh khác về dụ dỗ phát triển mô hình nuôi chồn nhung đen nữa, rồi sau đó cũng không có đầu ra. Mọi chuyện chúng tôi cũng đã báo cáo lên Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh rồi”.

Ông Nghĩa cũng cảnh báo người dân đừng nhẹ dạ, dễ tin vào những chiêu thức lừa đảo để rồi phải chịu cảnh nợ nần, phá sản. Khi tiến hành những giao dịch quan trọng cần phải thông qua chính quyền địa phương để được tư vấn, hỗ trợ một cách cẩn thận.