Phá rào cao tốc, xe máy đi vào đường Nội Bài-Lào Cai: Nguy hiểm khó lường!

ANTĐ - Cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã thông xe, khai thác toàn tuyến từ tháng 9-2014 và được đánh giá là tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam tại thời điểm đó. Tuy nhiên, sau 1 năm hoàn thiện, đến nay nhiều đoạn trên cao tốc này vẫn chưa có đường gom dân sinh, người dân hai bên đường phải phá rào để đi xe máy vào đường cao tốc, dù biết là vi phạm.

Phá rào cao tốc, xe máy đi vào đường Nội Bài-Lào Cai: Nguy hiểm khó lường! ảnh 1Tình trạng phá rào và tôn hộ lan để lưu thông vào đường cao tốc xảy ra dọc tuyến Nội Bài-Lào Cai

Cao tốc không khác đường làng

Theo đánh giá, tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai từ khi hoàn thành, đưa vào khai thác đến nay đã phát huy hiệu quả lớn, giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 70 và Quốc lộ 2, đồng thời giảm TNGT trong khu vực, rút ngắn thời gian đi Hà Nội-Lào Cai. Số lượng khách du lịch lên Sa Pa, Lào Cai đã tăng vọt. Tuy vậy, sau 1 năm đưa vào khai thác, tuyến đường cao tốc hiện đại nhất nhì cả nước này hiện không khác đường làng, do thường xuyên xảy ra tình trạng phá rào chắn, xe máy, vật nuôi như trâu, bò lưu thông vào đường cao tốc.

Ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) cho hay, từ khi đưa vào khai thác, cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã xuất hiện tình trạng nhiều người dân sống hai bên đường lấn chiếm hành lang, cắt hàng rào dây thép hoặc tháo dỡ lưới rào B40 và tôn hộ lan để bán hàng trái phép, đi xe máy hoặc thả rông vật nuôi trên đường cao tốc, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Vi phạm nhiều nhất phải kể tới các đoạn đi qua địa bàn các tỉnh Yên Bái và Lào Cai. 

Thống kê của VEC O&M cho thấy, trên toàn tuyến, có tới hàng trăm vị trí hàng rào bị người dân cắt phá hoặc nhà thầu bắt buộc phải mở lối đi để thi công các hạng mục chưa hoàn thiện của khu vực đường cao tốc. “Nguy hại hơn, có những tốp học sinh đi xe đạp hàng hai, hàng ba vô tư trên đường cao tốc mặc dù các lối lên xuống đều có hệ thống biển báo cấm các loại phương tiện này lưu thông trên đường cao tốc”, ông Bùi Đình Tuấn thông tin. 

Nhiều lần phanh gấp đến... thót tim

Lái xe Lại Xuân Thành chạy tuyến Mỹ Đình-Lào Cai khá bức xúc về tình trạng này: “Xe chúng tôi chạy vào đường cao tốc phải trả phí cao, nhưng nhiều đoạn qua Lào Cai, Yên Bái, người dân hai bên đi xe máy, xe đạp, gia súc đi vào đường cao tốc khiến lái xe rất bất an. Xe khi lưu thông trên cao tốc thường chạy với tốc độ cao và cao tốc thì đã cấm xe máy, xe thô sơ, nên các lái xe thường không lưu ý đến loại phương tiện này. Nhiều khi xe đang chạy tốc độ 90km/h, nhưng bỗng xuất hiện xe máy đi ngược chiều khiến tôi phải phanh gấp đến thót tim”. 

Trong khi đó, người dân hai bên đường, đặc biệt tại các đoạn chưa có đường gom dân sinh lại có nỗi khổ riêng. Mặc dù biết việc tháo dỡ rào, phá tôn chắn sóng để đi vào đường cao tốc là vi phạm, nhưng họ cũng không còn cách nào khác bởi không có đường đi. Ông Nguyễn Tiến Đài, xóm Đồng Danh, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, Yên Bái cho hay, từ khi tuyến cao tốc đưa vào khai thác, 20 hộ dân trong xóm phải phá hàng rào hộ lan để lưu thông qua đường, sang bên kia làm nương rẫy. “Khi làm đường, chủ đầu tư đã hứa làm đường gom cho các hộ dân nhưng đến giờ vẫn chưa có. Vì thế, các hộ dân đã phải phá hàng rào để đi lại”, ông Đài chia sẻ. Thậm chí, một số hộ dân còn cản trở đơn vị thi công khi đến sửa chữa và lắp đặt lại.

Có đoạn thì đường gom đã hoàn thiện nhưng lại thi công ẩu, không có rãnh thoát nước nên mỗi khi mưa xuống lại gây ngập và lầy lội. Đoạn qua thôn Ù Tụ, xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn, Yên Bái, học sinh còn phải chui qua hàng rào để đạp xe đến trường Tân Thượng vì đường gom chưa xong.