Phá lời nguyền, giữ gìn vốn cổ

ANTĐ - Hát Dô được truyền tụng như là một “món quà thánh” đối với người dân làng Đại Phu, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Hà Nội, nhưng gắn với 36 làn điệu tuyệt đẹp ấy là một lời nguyền khiến di sản văn hóa ấy có nguy cơ thất truyền.

Các cô gái hát múa Bỏ Bộ ngoài sân đền Khánh Xuân

36 năm mới được hát một lần

Theo chân bà Nguyễn Thị Lan, Chủ nhiệm CLB hát Dô xã Liệp Tuyết bước vào đền Khánh Xuân ở làng Đại Phu, tôi mải mê ngắm nhìn quang cảnh tuyệt đẹp của ngôi đền. Một lát sau một toán các cô gái trẻ xinh đẹp dắt díu nhau bước vào. Bên chén trà nóng hổi, bà Lan kể: Đền thờ Đức Tản Viên có 18 đền nhưng duy nhất đền Khánh Xuân là có hát Dô. Tương truyền rằng một lần đi ngang qua vùng ven sông Tích (nay là xã Liệp Tuyết, Quốc Oai) và nghỉ chân tại làng Đại Phu, thánh Tản Viên - vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử” thấy ruộng đất phì nhiêu bèn gọi dân làng đến dạy cách lấy hạt lúa to làm giống gieo xuống ruộng. Sau đó Đức Tản Viên tiếp tục đi chu du các nơi khác và hẹn ngày lúa chín sẽ về thăm lại. 36 năm sau, Thánh quay lại thấy dân đã giàu có, thóc lúa đầy nhà bèn tập hợp trai gái trong làng để dạy múa hát, mừng ấm no. Từ đó dân làng xây đền thờ nhớ ơn Đức Tản Viên và cứ 36 năm theo lệ lại mở hội ca hát tưng bừng, được gọi là hát Dô.

Hội hát Dô được tổ chức từ ngày 10 đến 15 tháng Giêng Âm lịch tại đền Khánh Xuân. Năm 1926 là năm tổ chức Hội hát Dô cuối, rồi chiến tranh loạn lạc đến năm 1998 dân làng mới mở lại hội. Hát Dô có 3 kiểu hát: Hát Thờ (hát trong đền), hát Trúc, hát múa Bỏ Bộ (hát ngoài sân đền). Nội dung hát Dô xoay quanh cuộc sống thường nhật của người nông dân việc làm ăn, cấy cày, đi hội, tình yêu, dệt cửi… 36 làn điệu đều nằm trong loại hình hát Trúc với nội dung giãi bày cuộc sống. Hát Dô cũng được phong là di sản phi vật thể cổ nhất nước ta mang những âm điệu chung của dân ca nghi lễ Bắc bộ. Đội hình hát Dô bao gồm Cái hát (là nam) và các Bạn nàng (con hát). Trang phục hát Dô cũng rất đặc biệt với khăn vấn tóc, áo tứ thân, guốc mộc quai thừng, tay đeo bắp tỏi, quạt giấy - đạo cụ của các Bạn nàng, đôi sênh - đạo cụ của Cái hát.

“Hèm” cay nghiệt

Theo “hèm” 36 năm mới được mở Hội hát Dô một lần. Thường vào tháng 8 năm thứ 35, dân làng bắt đầu tuyển các thiếu nữ tuổi từ 12 đến 18 trong làng đến hát Dô vì “hèm“ xưa quy định:

“Con hát tuổi hạn hai mươi
Nếu qua tuổi ấy thì thôi hát hò
Bao giờ đến Hội hát Dô
Thì còn phải kiếm gái tơ chưa chồng…”.

Sau khi mở tráp lấy sách cho các thiếu nữ học, từ mùng 10 tết mở hội đến 15 thì phải cất sách cho vào tráp, 35 năm sau mới được mở ra. Vì lời nguyền trên, hầu hết các gia đình đều cấm con gái theo học hát Dô. “Dù không mê tín dị đoan nhưng ban đầu dạy các cháu tôi rất sợ. Lúc dạy các cháu khi chưa làm lễ Ngài, có hai con bướm rất to đậu ở hai làn sóng của hội trường. Có điều lạ là ngày thường không thấy xuất hiện, cứ hễ đến hôm tôi dạy hát cho các cháu thì hai con bướm lại đậu mãi không bay. Chỉ đến khi tôi làm lễ Ngài thì việc này mới chấm dứt”, bà Lan kể.

Tại làng Đại Phu, có cụ đang khỏe mạnh từ khi tham gia hát Dô bỗng ốm bất thường. Đến cả vài tháng, chẳng ai biết cụ bị bệnh gì mà cứ trút bỏ hết quần áo trên người và không điều khiển được những hành động của mình. Cả làng ai cũng tin rằng cụ bị lời nguyền hát Dô năm xưa.

Mải miết nghe câu chuyện về lịch sử hát Dô, quay vào phía trong gian nghỉ của ngôi đền tôi đã thấy những thiếu nữ trong mớ ba mớ bảy xúng xính áo quần, tô son điểm phấn sẵn sàng biểu diễn cho tôi nghe những làn điệu hát Dô. Chỉ vài phút sau hiệu lệnh của bà Lan, các cô gái lần lượt vào đội hình rồi “phiêu” trong điệu hát của Trúc trúc, mai mai; Cổ kiêu ba ngấn; Hái chè; Lên chùa; Trồng chuối... Những câu hát mượt mà, da diết của các “diễn viên không chuyên” cất lên: “Trúc trúc, mai mai, nào khi trúc trúc mai mai; rồng ra dãi nắng, cú ngồi ngoài mưa...” hay “Rủ là rủ nhau, rủ là rủ nhau, ồ rằng lên núi, ồ rằng lên núi, lên núi hái chè. Hái dăm ba mớ, xuống khe, xuống khe ta ngồi, ta ngồi...”. Những lời hát êm dịu cứ ngân nga mãi bên tai khiến tôi như đắm chìm vào không gian cổ xưa từ lúc nào không biết. 

Gây dựng từ tâm niệm

Từ năm 1989, bà Lan tìm đến tất cả các cụ cao niên trong làng để được truyền dạy lại những điệu hát cổ. Đồng thời bà kiên trì vận động các gia đình cho con em theo học. “Tôi nghĩ gái có công chồng chẳng phụ. Sau khi làm lễ Ngài, các cụ cao niên cúng Nôm để xin được bảo tồn và phát huy tiếng của Ngài từ xưa”, bà Lan chia sẻ. Cũng năm đó, 3 cụ cao niên từng tham gia hội năm 1926 gồm có cụ Tạ Văn Lai (làm Cái hát); cụ Đàm Thị Điều, Kiều Thị Nhận (làm con hát) được mời dạy cho lớp trẻ. Em Nguyễn Thị Mai, 17 tuổi, ở làng Đại Phu, hiện cũng đang tham gia vào Câu lạc bộ hát Dô chia sẻ: “Ban đầu mẹ em không cho đi vì sợ lời nguyền năm xưa. Sau được nghe 36 điệu trong bài hát Trúc và sự truyền dạy của các cụ, mẹ em bảo đây là những điệu hát cổ và quý, không nên để mất. Qua 4 năm tập, em thấy hát Dô rất hay”.

Từ buổi học hát ban đầu ấy, nhân dân Liệp Tuyết như sống trong một bầu không khí mới. Trẻ con mười lăm, mười sáu tuổi sáng đi học, chiều còn ra bãi trồng ngô, nhưng tối về lại í ới gọi nhau đi tập hát múa. Khi được hỏi vì sao lại nhiệt tình với hát Dô đến vậy, bà Lan thẳng thắn trả lời: “Ban đầu chỉ vì lòng yêu thích văn nghệ, thấy mấy bài hát Bỏ Bộ hay thì sưu tầm để học nhưng càng tập hát càng say, sau cuốn theo lúc nào không biết. Sau đó tôi cảm thấy mình cần có trách nhiệm với các cụ đã truyền dạy cho mình, những người đã để lại làn điệu hát Dô quý giá. Lúc nào bên tai tôi cũng văng vẳng lời của cụ Điều căn dặn trước khi qua đời: “Con chịu khó học lấy các bài ta đã cho con chép, con học rồi dạy lại cho mọi người ở đây chứ đừng mang đi đâu mà thất truyền”. Chính vì tâm nguyện đó mà dù khó khăn mấy tôi cũng cố gắng gây dựng bằng được câu hát, điệu múa”. Và từ đó, điệu hát Dô không những dần được khôi phục mà còn có thêm một sức sống mới và trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần người dân Liệp Tuyết.