Phá loạt ổ sản xuất "thuốc thánh chiến" trong lòng châu Âu

ANTD.VN - Trong 3 tháng trở lại đây, các nhà điều tra trên khắp châu Âu đã chặn được hàng chục nghìn viên Captagon - loại thuốc được phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng rất ưa chuộng. Do có tác dụng gần như ngay lập tức, Captagon - biệt danh “thuốc thánh chiến” dễ dàng trở thành loại ma túy được lựa chọn ở nhiều vùng chiến sự. 

Hôm 10-5-2017, lực lượng an ninh Hà Lan cho biết, hồi tháng 4, họ đã đột kích một căn nhà ở Brunssum, gần Limburg và phát hiện hàng chục nghìn viên thuốc Catpagon thành phẩm cùng với nguyên liệu trong kho đủ để làm thêm 300.000 viên.

Mặc dù, cảnh sát Hy Lạp và Hà Lan không khẳng định những lô thuốc Captagon được sản xuất với đích đến là những tay súng đang bám trụ tại những thành trì cuối cùng của IS, nhưng một số đối tượng theo thánh chiến khi trở về đã kể về Captagon - loại ma túy mà IS sử dụng.

“IS phân phát cho chúng tôi những viên ma túy và ảo giác khiến chúng tôi lao ra mặt trận chiến đấu mà không cần quan tâm sẽ sống hay chết”, một tay súng của IS từng kể với CNN hồi năm 2014.

Phá loạt ổ sản xuất "thuốc thánh chiến" trong lòng châu Âu ảnh 1Tháng 4-2017, lần đầu tiên Hà Lan phát hiện một cơ sở sản xuất “thuốc thánh chiến”

Bị liệt vào danh sách chất cấm

Captagon, cũng như Biocapton hay Fitton là tên hiệu của loại thuốc có thành phần chính là fenethylline. Đó là sự kết hợp của amphetamine và theophylline, có tác dụng giãn cơ quanh phổi và được sử dụng để điều trị các vấn đề hô hấp. Một công ty Đức là cơ sở đầu tiên tổng hợp được chất fenethylline, vào năm 1961.

Khi phát hiện ra thuốc có tác dụng cải thiện sự tỉnh táo, các bác sĩ hướng vào điều trị chứng ngủ rũ và rối loạn tăng động thiếu tập trung ở trẻ. Các sinh viên cũng dùng thuốc này để tỉnh táo hơn trong học tập và người ăn kiêng cũng có thể sử dụng để ngăn chặn sự thèm ăn.

Tuy nhiên, trong những năm 1980, nhiều nước cấm sử dụng thuốc này do tính kích thích và gây nghiện của nó. Năm 1981, nhà chức trách Mỹ đưa Captagon vào danh sách chất bị kiểm soát, có nghĩa là “không được chấp nhận dùng trong y tế và nguy cơ cao nếu lạm dụng”. Năm 1986, Tổ chức Y tế Thế giới cũng đưa ra quy định tương tự.

Đáng chú ý, loại thuốc Captagon mà IS sử dụng hiện nay có thể gọi là thuốc rởm, do không đúng với thành phần ban đầu, thường được pha trộn giữa amphetamine với    caffeine hay hóa chất khác. Thuốc khiến người sử dụng có thể tỉnh táo trong thời gian dài, mất cảm giác đau và thấy thật hưng phấn.

Vẫn “sống” ở khu vực Trung Đông

Mặc dù, fenethylline đã trở thành chất cấm ở nhiều nước nhưng nó vẫn phổ biến ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là Arập Xêút. Mặc dù, rượu và các loại ma túy bị cấm theo luật Hồi giáo nhưng ở đây    Captagon vẫn là loại thuốc y tế được cấp phép.

Phát biểu với Tạp chí Newsweek, Tiến sĩ Raj Persaud thuộc Đại học Hoàng gia về Tâm thần có trụ sở tại London chỉ ra rằng, với giá trung bình là 20 USD/viên, 40% người sử dụng ma túy ở Arập Xêút dùng   Captagon, bởi thế, đây là quốc gia tiêu thụ thuốc này lớn nhất thế giới. Hồi tháng 10-2015, một hoàng tử của vương quốc này bị bắt sau khi cảnh sát phát hiện 2 tấn thuốc viên Captagon trên máy bay riêng của người này. 

Dù các loại thuốc mới được phát hiện ở châu Âu không biết có phải để phục vụ đội quân IS hay xuất sang Arập Xêút hay không, Tiến sỹ Raj Persaud cảnh báo: “Đây là loại thuốc gần như không có tác dụng phụ, nhưng lạm dụng Captagon có thể gây trầm cảm, mệt mỏi, mất ngủ và tim đập cực nhanh. Trong trường hợp hiếm hoi, nó đã từng gây mù lòa và đau tim”.

“Trong lịch sử, người Hy Lạp cổ đại, những người Viking hay lính Đức quốc xã đều tìm đến rượu vang, nấm, morphine hay methamphetamine để giúp đội quân của mình can đảm hơn, vượt qua sự khủng khiếp của chiến tranh. Còn Captagon hiện được lựa chọn bởi cho người ta cảm giác chỉ muốn tiến lên mà không cần biết sợ hay không”

Tiến sĩ Raj Persaud thuộc Đại học Hoàng gia về Tâm thần ở London, Anh quốc