“Phá” hiện vật bảo tàng vì quá nghiệp dư

ANTĐ - Bảo quản vốn là khâu quan trọng để  giữ nguyên trạng và duy trì tuổi thọ của hiện vật tại bảo tàng. Tuy nhiên, công tác bảo quản hiện vật ở nhiều bảo tàng đang gặp nhiều khó khăn, nhất là khi nguồn lực và trình độ chuyên môn của cán bộ còn hạn chế. 

Chuyên gia người Bỉ hướng dẫn học viên tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia phục chế hiện vật giấy

Mới chỉ kiểm kê, đánh số

Nói đến công tác bảo quản hiện vật tại bảo tàng có 2 khái niệm. Thứ nhất là bảo quản phòng ngừa, đó là tổ chức sắp xếp kho, môi trường bảo quản: độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng… để ngăn chặn tác nhân gây hại cho hiện vật. Thứ hai là bảo quản trị liệu, dùng các biện pháp tác động trực tiếp để hạn chế quá trình hư hại khi hiện vật có hiện tượng biến đổi như nứt, gẫy, gỉ… Tuy nhiên, dù là phòng ngừa hay trị liệu thì công tác bảo quản hiện vật ở các bảo tàng trong nước vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do sự thiếu đầu tư về cơ sở vật chất. Ngoại trừ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là hai đơn vị có bộ phận chuyên trách về kỹ thuật bảo quản, thì ở hầu hết các bảo tàng mới chỉ dừng lại ở việc quản lý hiện vật, tức là đánh số, kiểm kê, tư liệu hóa…. Không ít bảo tàng ở các địa phương mới chỉ có kho - là nơi cất giữ hiện vật chứ chưa có các điều kiện cần thiết để bảo quản hiện vật như hệ thống điều hòa, máy phun hơi nước, máy hút ẩm…  

Bên cạnh đó, hiện nay ở nước ta chưa có cơ sở nào đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành bảo quản, kể cả tại ĐH Văn hóa hay ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn là hai nguồn cán bộ chính cho bảo tàng. Hàm lượng kiến thức dành cho bảo quản cũng khá ít ỏi, chỉ được giới thiệu gói gọn trong khoảng ba đơn vị học trình, và đáng tiếc thay, sinh viên ít có điều kiện thực hành mặc dù đây là công việc phải “có làm mới biết”. Trong khi ở một số quốc gia trên thế giới, sau khi tốt nghiệp đại học, cán bộ bảo tàng phải được đào tạo 2 năm để chuyên về bảo quản một loại chất liệu. Thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, dễ hiểu vì sao công tác bảo quản hiện vật ở nhiều bảo tàng còn khá lúng túng. 

Phá hiện vật “như chơi” 

Năm 2000, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hà Tây (cũ) khai quật hai ngôi mộ thuyền Châu Can (Phú Xuyên, Hà Nội). Đây là hai ngôi mộ có niên đại khoảng cuối thế kỷ thứ 3 đến đầu thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, là một loại hình mai táng độc đáo của người Việt cổ với những nét đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. Hiện vật thu được gồm nhiều di vật như bộ hài cốt, rìu, cuốc, đồ gốm, đồ sơn mài… Tuy nhiên, do khâu xử lý tại chỗ không tốt, khi chuyển giao về Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, toàn bộ đồ sơn mài đã bị biến thành… bột. Đây chỉ là một trong những ví dụ cho thấy công tác bảo quản hiện vật bảo tàng đang gặp rất nhiều khó khăn, mà nguyên nhân là do sự thiếu kiến thức của những người tiếp nhận hiện vật.

Theo bà Nguyễn Thị Hương Thơm – Trưởng phòng Bảo quản, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, cán bộ bảo quản không chỉ phải hiểu biết về hiện vật mà còn phải lường trước rủi ro khi thay đổi điều kiện, môi trường cho hiện vật. Đối với mỗi loại đồ đồng, đồ đá, kim loại, giấy, gỗ, vải… có một đặc tính khác nhau mà nếu không am hiểu những đặc tính đó thì mọi thao tác đều có thể tác động làm biến đổi hiện vật. Cũng theo bà Nguyễn Thị Hương Thơm,  một trong những vấn đề khó nhất của bảo tàng là bảo quản đồ dệt khảo cổ.

Vốn là chất liệu nhạy cảm hơn các chất khác, chỉ cần dưới tác động của ánh sáng và tia cực tím, đồ dệt sẽ dễ bị phai màu, sợi vải sẽ trở nên giòn và dễ dàng bị tách, mủn... Ngay cả những chất liệu bền hơn như kim loại, đồng, đá, chỉ riêng công đoạn vệ sinh, nếu làm không đúng cách cũng để lại những vết xước trên bề mặt hiện vật. Đã có trường hợp, cán bộ bảo quản tự ý bôi dầu luyn lên các đồ kim loại như súng, trống đồng để chống gỉ, nhưng lại biến những hiện vật này trở nên… đen gỉ, thậm chí làm biến mất các hoa văn, họa tiết. Hay như những bức tượng đá để ngoài trời, nếu đem rửa bằng xà phòng - những dung dịch có chứa axit thì có thể dần dần bào mòn chúng, mặc dù mắt thường không nhìn thấy được. Bởi vậy, cán bộ bảo quản không những cần kiến thức khoa học mà còn phải thực sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và có trách nhiệm khi thao tác trên từng hiện vật. 

Bảo quản hiện vật, vốn là một quá trình công phu và cấp thiết đối với mọi bảo tàng nhằm lưu giữ những giá trị lịch sử qua các thế hệ nhưng trên thực tế, tầm quan trọng của nó vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức. Để giải bài toán khó này, cần nâng cao nhận thức cho những người làm nghiệp vụ, cũng như cần thêm sự đầu tư mạnh mẽ để từng bước chuyên nghiệp hóa lĩnh vực vốn được coi là “khoảng trống” trong hoạt động bảo tàng.