Phá định kiến để tăng nguồn tạng hiến

ANTD.VN - Cả nước hiện có 17 cơ sở đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật ghép tạng song sự liên kết giữa các cơ sở này còn mang tính tự phát. Đặc biệt, nguồn tạng hiến đang hết sức khan hiếm nên việc ghép tạng vẫn là biện pháp điều trị xa xỉ đối với người bệnh. 

Phá định kiến để tăng nguồn tạng hiến ảnh 1Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức dành một phút mặc niệm trước khi lấy tạng từ người cho chết não

Nghịch lý nguồn tạng hiến

Bà Lê Thị Thảo (56 tuổi, ở Lương Tài, Bắc Ninh) - một người nông dân bình thường nhưng sau khi dự một buổi tuyên truyền vận động hiến tạng do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tại địa phương đã trở thành một người tích cực hưởng ứng phong trào hiến tạng. Giữa năm 2015, sau khi được đọc các tài liệu về hiến, ghép tạng, bà Thảo đã tìm đến Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng quốc gia đặt tại Bệnh viện Việt Đức để làm đơn hiến thận. Kết quả khám sức khỏe đảm bảo, một thời gian ngắn sau bà nhận được điện thoại đề nghị hiến thận cho một ca bệnh hiểm nghèo có các chỉ số thích hợp. 

Dù không biết bệnh nhân là ai, ở đâu nhưng không chút ngần ngại, bà Lê Thị Thảo thông báo với các con (lúc này bà vẫn giấu chồng) rồi lập tức tới Bệnh viện Việt Đức. Sau các khâu khám sức khỏe, xét nghiệm cần thiết, bà Thảo được đưa vào phòng mổ để thực hiện ca hiến, ghép thận. Hiến thận xong, hồi phục sức khỏe, bà Thảo trở về nhà với tâm lý nhẹ nhàng khi vừa làm được một việc hết sức có ý nghĩa, cứu giúp được cuộc sống của một người khác mà bà không hề quen biết. “Sau ca hiến thận, Bệnh viện Việt Đức có đề nghị hỗ trợ tôi thẻ BHYT nhưng tôi từ chối. Về phía người bệnh được nhận quả thận của tôi, tôi cũng không hỏi, nhưng đến Tết vừa rồi vợ chồng người đó có tìm đến nhà tôi cảm ơn. Biết người bệnh được khỏe mạnh, tôi rất vui mừng và thấy hành động của mình thật xứng đáng” - bà Lê Thị Thảo chia sẻ. 

Những năm gần đây, số người tự nguyện đăng ký hiến tạng trên cả nước như trường hợp bà Lê Thị Thảo đã tăng lên nhưng vẫn còn hết sức khiêm tốn. Từ số đăng ký đến số thực hiện được nguyện vọng hiến tạng thì lại càng nhỏ hơn rất nhiều. Đáng chú ý, người đăng ký hiến tạng và thực hiện hiến tạng đa phần đều là những người còn sống, đây là một nghịch lý nếu so sánh với thế giới vì ở nước ngoài, khoảng 90% nguồn tạng ghép được lấy từ người cho chết não. Nghịch lý này là một sự lãng phí rất lớn bởi mỗi năm, chỉ tính riêng tại các bệnh viện lớn như Việt Đức hay Chợ Rẫy, có hàng nghìn ca chết não nhưng số ca hiến tạng còn quá hiếm hoi.

Trách nhiệm của cả cộng đồng

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết, cả nước đã có 17 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép tạng song số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các con số hơn 1.800 ca ghép thận, hơn 50 ca ghép gan, 16 ca ghép tim… trong khi số người chờ ghép ở mức rất cao. Hiện cả nước có khoảng trên 6.000 người bị suy thận mãn tính cần được ghép, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc cần được ghép giác mạc… Tất cả vẫn đang mòn mỏi chờ nguồn tạng ghép và rất ít trong số này đạt nguyện vọng. Có thể nói, chúng ta đã làm chủ kỹ thuật song ghép tạng vẫn là mong ước với mỗi người bệnh. 

Thứ trưởng Lê Quang Cường phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này như nhận thức của người dân về hiến tạng còn hạn chế; quan điểm “chết toàn thây” còn nặng nề… Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận khâu tuyên truyền vận, động làm chưa tốt. “17 cơ sở đủ điều kiện ghép tạng cũng vẫn phát triển tự phát, quy trình điều phối hiến tạng chưa đầy đủ. Trong khi đó, vẫn có một số người nghèo ở nông thôn tìm ra nước ngoài để bán tạng của chính mình” - Thứ trưởng Bộ Y tế nói. 

Để khắc phục tình trạng trên, GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng quốc gia cho biết, quan trọng nhất vẫn là phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động. “Sinh có hẹn, tử bất kỳ, nhưng nếu ai đó quyết định hiến tặng mô, tạng, họ sẽ mang lại cơ hội cứu sống cho biết bao người bệnh. Khi một người ra đi với ý nghĩa hiến tặng mô tạng cho đời thì người đó sẽ sống mãi trong niềm yêu thương, tôn kính của người đời” - ông Trịnh Hồng Sơn nói. 

Song song với việc này, Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng quốc gia cũng đang khởi động xây dựng danh sách chờ ghép quốc gia và tiếp đó là xây dựng danh sách hiến tạng quốc gia. Danh sách này sẽ được cập nhật vào phần mềm để ngay khi có người hiến tạng, trung tâm sẽ điều phối được người có nhu cầu ghép với các chỉ số phù hợp. “Đây là mong mỏi, là trăn trở rất lớn của chúng tôi và rất cần có sự chung tay của cả cộng đồng mới thực hiện được. Chỉ khi có được danh sách chờ ghép tạng quốc gia thì công tác điều phối hiến ghép tạng quốc gia mới được thúc đẩy” - GS.TS Trịnh Hồng Sơn chia sẻ.