Phá “cục máu đông”

ANTĐ - Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% theo kế hoạch đề ra cho cả năm 2012 là rất khó khăn. Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế cũng như một số lãnh đạo bộ, ngành, nếu quyết liệt thực hiện với các giải pháp đồng bộ về tài khóa và tiền tệ, nới lỏng có mức độ hợp lý thì vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng, mở rộng cho vay, kích thích sản xuất.

Một trong những dư địa đó là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chính thức yêu cầu từ ngày 15-7 các ngân hàng thương mại phải có quyết định hạ lãi suất các món vay cũ xuống dưới 15%/năm. Ngân hàng Nhà nước còn quả quyết, sau ngày 15-7 sẽ kiểm tra từng ngân hàng để đảm bảo quyết định trên được thực thi. Ông Thống đốc chỉ rõ, đối với những khoản vay cũ, nếu doanh nghiệp đang gặp quá nhiều khó khăn không thể khắc phục thì ngân hàng cần phải thấy rằng, thu được nợ gốc đã là may lắm, chứ chưa nói đến lời lãi, huống hồ lại là lãi suất cao.

Trên thực tế, có không ít doanh nghiệp đã phản ảnh với ngân hàng Nhà nước rằng, nếu ngân hàng “cho không” lãi suất thì họ cũng chẳng trả được nợ, huống hồ ghi lãi suất cao vào hợp đồng thì biết để làm gì. Bởi thế, theo Thống đốc, các ngân hàng nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp trả nợ được phần nào tốt phần đó. Với trường hợp doanh nghiệp gặp quá nhiều khó khăn, không thể “gượng dậy”, thì ngân hàng thương mại cần hạ lãi suất ở mức khoảng 15%/năm trở xuống. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều cho rằng, đây là một “mệnh lệnh” hành chính, song trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” hiện nay, ngân hàng vừa có bổn phận và trách nhiệm chung ghé vai gánh vác khó khăn, “chia lửa” với cộng đồng doanh nghiệp. Ngân hàng càng để lãi suất cao thì càng khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng cũng “mua dây buộc mình” vì nhiều khả năng mất vốn. 

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng tỏ ra bức xúc, thậm chí gay gắt chỉ rõ, một mặt ngân hàng phải giải quyết những khó khăn vốn cho doanh nghiệp. Nhưng mặt khác phải giữ được thanh danh của ngành, thay vì để lại trong xã hội ấn tượng “ngân hàng ăn dày”, “ngân hàng không chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp”. Cũng không nên tái diễn việc ngân hàng chỉ “rêu rao” giảm lãi suất, trong khi doanh nghiệp phải đưa ra hợp đồng tín dụng lãi vay tới 21-22%/năm. Thực tế cho thấy, trước đây các ngân hàng thương mại phải huy động vốn với lãi suất cao để cho vay cao. Song mấy tháng nay, lãi suất huy động đã lùi về 9%. Như vậy, việc giảm lãi suất cho các món vay mới và vay cũ hoàn toàn nằm trong tầm tay các ngân hàng. Thế nhưng, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay không phải là lãi suất. Vấn đề mấu chốt là, ngân hàng và doanh nghiệp phải ngồi với nhau xem xét lại các hợp đồng cũ để có thể thỏa thuận hạ lãi suất vào lúc nào, món nợ nào.

Một chuyên gia tài chính khuyến nghị, nếu ngân hàng và doanh nghiệp cùng đồng thuận thì đôi bên cùng có lợi. Doanh nghiệp bớt được gánh nặng lãi suất, ngân hàng sẽ tìm ra cách tháo gỡ nợ xấu, đồng thời nền kinh tế cũng phá được “cục máu đông”.