Phá bỏ lối làm việc “há miệng chờ sung”

ANTĐ - Lâu nay, “nếp” phân bổ bình quân ngân sách cho dàn dựng tác phẩm đã in hằn trong lề lối làm việc của các nhà hát công lập và tạo nên những hệ lụy cho sự trì trệ trong tư duy và hành động. Nhưng cách làm cũ này sẽ bị phá vỡ nếu thông tư liên tịch Hướng dẫn về đấu thầu, đặt hàng tác phẩm sân khấu do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) soạn thảo được thông qua. 

Phá bỏ lối làm việc “há miệng chờ sung” ảnh 1Vở kịch “Những chấn động còn lại” do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng theo đơn đặt hàng của Nhà nước

Không “há miệng chờ sung”

Không được phép thụ động chờ Nhà nước “rót” kinh phí là nội dung bao trùm của dự thảo thông tư liên tịch Hướng dẫn về đấu thầu, đặt hàng tác phẩm sân khấu. Đồng thời, thông tư này cũng mở ra cơ hội tiếp cận nguồn kinh phí Nhà nước cho các đoàn xã hội hóa và tạo nên sự cạnh tranh giữa các đơn vị nghệ thuật để tìm ra đơn vị xứng đáng nhất tham gia quá trình dàn dựng vở. Điều đó đồng nghĩa với việc, sân khấu Việt sẽ có thêm các tác phẩm chất lượng, đúng trọng tâm, tránh lãng phí. 

Không phải đến bây giờ, mà lâu nay Nhà nước vẫn đặt hàng tác phẩm đối với các đơn vị nghệ thuật. Tuy nhiên, sân khấu Việt đã từng chứng kiến nhiều tác phẩm được Nhà nước đầu tư tốn kém nhưng hiệu quả sản xuất và thu hồi vốn thấp, nhiều tác phẩm chỉ công diễn được ít thời gian sau đó lại “đắp chiếu”. Không chỉ vậy, việc đặt hàng tác phẩm cũng gây ra những thắc mắc cho chính lãnh đạo các nhà hát về việc tại sao nhà hát này được, còn nhà hát khác lại không được. Ông Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam chia sẻ: “Để chẻ hoe ra nhà hát này được đặt hàng tác phẩm cần có văn bản, quy định rõ ràng, tránh tình trạng nghi kỵ và gièm pha lẫn nhau. Việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn xây dựng dự thảo thông tư là cần thiết và cần phải làm rõ các yêu cầu cho một tác phẩm được đặt hàng dàn dựng như nghiệm thu ra sao, đạo cụ, phục trang như thế nào”. 

Phá bỏ lối làm việc “há miệng chờ sung” ảnh 2Vở kịch “Biến dạng” do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng

Mặt trái của đấu thầu và đặt hàng tác phẩm

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam lại có phần e ngại nếu dự thảo được thông qua: “Kịch bản cho Tuồng vô cùng khó khăn và hầu như không có nên việc Nhà hát Tuồng được Nhà nước đặt hàng tác phẩm để đặt trọng tâm tuyên truyền lại càng trở nên xa vời”. Đáng chú ý nhất là ý kiến của NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam về tính minh bạch và công khai trong đấu giá tác phẩm. Theo NSƯT Thanh Ngoan, “tình cảm đóng vai trò quan trọng trong việc đặt hàng tác phẩm. Anh yêu quý tôi thì anh đặt hàng đơn vị tôi dàn dựng tác phẩm. Trong khi, mức giá đầu tư đối với đặt hàng tác phẩm lại không có mức chung nên tác phẩm đó liệu có được giao đúng cho đơn vị xứng tầm dàn dựng hay không luôn là câu hỏi lớn được đặt ra. Còn về đấu thầu tác phẩm, mức giá thấp nhất đưa ra có đồng nghĩa với chất lượng tốt nhất? Tôi e rằng điều này không hoàn toàn đúng mà thay vào đó là một tác phẩm có chất lượng hụt hơi”. 

Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã trả lời cho những thắc mắc này của lãnh đạo các nhà hát: “Việc đấu thầu nhằm lựa chọn những đơn vị, những đối tác thật sự có khả năng. Tất cả các khâu liên quan tới xây dựng một tác phẩm như dàn dựng, âm thanh, ánh sáng, phục trang, đạo cụ... sẽ đều được công khai đấu thầu. Song song với đấu thầu cũng sẽ có hình thức đặt hàng hướng tới những chương trình có quy mô lớn và các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị”. 

Dự thảo dự định hoàn thành vào tháng 10-2014 nhưng đến nay vẫn đang được thông qua. Lý do của sự chậm trễ này là vì Bộ VH-TT&DL muốn phối hợp với Bộ Tài chính để cùng đưa ra một thông tư liên tịch vì trong nội dung có liên quan nhiều đến các vấn đề tài chính.