Phá án thành công nhờ công tác bảo vệ hiện trường

ANTD.VN - “Hiện trường là nơi phản ảnh tất cả quá trình phạm tội của tội phạm. Điều tra thành công hay thất bại đều xuất phát từ hiện trường”, Đại tá PGS, TS Đỗ Cảnh Thìn – Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện CSND khẳng định.

Khám nghiệm hiện trường là hoạt động điều tra được tiến hành trực tiếp tại hiện trường do Điều tra viên tiến hành nhằm phát hiện, xem xét, ghi nhận dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án tại nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm và nó có ý nghĩa hết sức quan trọng cho việc phá án. 

Tầm quan trọng của khám nghiệm và bảo vệ hiện trường những vụ trọng án

Tại hiện trường các vụ án quan trọng, việc điều tra phá án, bảo vệ hiện trường là mệnh lệnh quan trọng nhất mà bất kỳ lực lượng nào có mặt cũng phải tuân theo và không có những ngoại lệ.

Luật sư Văn Trường Chinh, Trưởng văn phòng luật sư Nhân Nghĩa cho biết: “Trong quá trình khám nghiệm hiện trường, luật đã quy định rất rõ. Cơ quan tố tụng hình sự và cơ quan đầu tiên đến khám nghiệm và có những động thái bảo vệ hiện trường như chặn các lối vào, chăng dây để cho người khác không làm xáo trộn hiện trường”.

Hiện trường vụ án mạng 4 bà cháu tử vong  tại Uông Bí, Quảng Ninh

Hiện trường vụ án mạng 4 bà cháu tử vong tại Uông Bí, Quảng Ninh ngày 24-9. Tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và các biện pháp điều tra, xác minh cơ quan điều tra nhận thấy hung thủ có thủ đoạn tinh vi, vì vậy, cơ quan điều tra xác định đây là một vụ án khá phức tạp.

Những dấu vân tay, những vệt máu, thậm chí cả sợi tóc đều là những vết tích quan trọng tại hiện trường. Theo Đại tá PGS, TS Đỗ Cảnh Thìn: “Những dấu vết, hiện tượng xuất hiện tại hiện trường giúp cơ quan điều tra nhận định đối tượng, xác định bản chất vụ án, từ đó đưa ra định hướng điều tra, khám phá vụ án, truy bắt tội phạm”.

Nhờ những vết tích mà đến tối ngày 25-9, cơ quan điều tra đã xác định đối tượng nghi vấn sát hại 4 bà cháu tại Quảng Ninh, đồng thời ra quyết định truy nã đặc biệt để truy bắt đối tượng. Và chỉ một ngày sau đó, các lực lượng điều tra đã bắt giữ tuyệt đối an toàn kẻ thủ ác khi hắn đang trên đường lẩn trốn, đem lại sự cảm kích của nhiều người dân.

Anh Lê Ngọc Nhuận (trú tại phường Thanh Sơn, TP Uông Bí, Quảng Ninh) cho biết, cách hung thủ ra tay quá tàn ác khiến người dân địa phương lo lắng, tuy nhiên, chỉ sau 3 ngày, lực lượng Công an đã bắt được hung thủ khiến người dân rất vui mừng, cảm kích.

Vụ thảm sát tại Bình Phước năm 2015 khiến 6 người chết trong căn biệt thự, khi cơ quan điều tra vào cuộc khám nghiệm hiện trường, thì toàn bộ dấu vân tay trên cổng chính là của người dân hiếu kỳ và nhà báo. Chưa kể các đối tượng gây án trà trộn trở lại hiện trường để nghe ngóng, xóa dấu vết.

Theo Nhà báo Vũ Văn Tiến – Tổng biên tập Tạp chí Mặt trận, những hành động như vậy vô tình đã làm thay đổi hiện trường, “gây khó khăn cho quá trình điều tra”. 

Còn theo Đại tá PGS, TS Đỗ Cảnh Thìn, việc nhiều người xuất hiện tại hiện trường làm cho thông tin trong quá trình trao đổi nghiệp vụ như: thông tin về nạn nhân, về tội phạm và cả những người biết việc (nhân chứng) bị nhiễu loạn, không chính xác.

Cơ quan Công an điều tra vụ thảm sát tại Bình Phước

Trong các vụ án, để tìm ra đúng hung thủ, nguyên tắc đầu tiên trong phá án, là phải bảo vệ hiện trường bằng mọi giá. Trở lại vụ việc tại cầu Nhật Tân, Hà Nội, nhận định ban đầu của các cơ quan điều tra, đây có thể là một vụ án mạng.

Những sắp đặt ở hiện trường đều gợi mở một vụ tự tử, nhưng chi tiết trong xe bị xáo trộn, thành xe có vết máu và những bất thường khác trên cầu, khiến các chiến sĩ cảnh sát phải suy nghĩ đến khả năng, anh tài xế có thể bị sát hại và ném xác xuống chân cầu để dựng hiện trường giả một cách tinh vi.

Hiện lực lượng Công an đang tích cực điều tra nguyên nhân vụ việc và báo chí tiếp tục thông tin. Tất cả đều có mục tiêu duy nhất sớm làm rõ nguyên nhân của vụ án truy bắt thủ phạm (nếu có) ổn định tình hình an ninh trật tự đảm bảo cuộc sống yên bình của người dân.