PGS.TS Văn Như Cương: “Không nên chạy theo phong trào”

ANTĐ - Đề án số hóa sách giáo khoa dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM với kinh phí khoảng 4.000 tỷ đồng không nhận được sự đồng thuận của đa số phụ huynh, dư luận. PGS.TS Văn Như Cương, nguyên Hiệu trưởng THPT Dân lập Lương Thế Vinh cũng còn nhiều băn khoăn về đề án này.
PGS.TS Văn Như Cương: “Không nên chạy theo phong trào” ảnh 1


- Thưa Phó giáo sư, dư luận rất trăn trở nếu áp dụng đề án này?

- PGS.TS Văn Như Cương: Đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy, học tập là một trong những điều ta mong muốn để đổi mới phương pháp, thúc đẩy hiệu quả đào tạo nhất là trong giai đoạn đổi mới toàn diện giáo dục.

Nhưng điều tôi băn khoăn là cái gì chứng minh nếu chi 4.000 tỷ đồng để sử dụng sách điện tử là tốt hơn trước? Tôi chưa thấy trong dự án nêu rõ điều ấy. Các em sẽ thông minh hơn? Giáo viên giảng dạy dễ dàng, phát huy trí tuệ của học sinh hơn, điều ấy thể hiện như thế nào? Việc khắc phục tình trạng thiếu tính tự chủ, phát huy năng lực học sinh như thế nào đề án cũng không được nói rõ.

- Nếu thí điểm từ lớp 1 đến lớp 3, trẻ nhỏ sẽ chỉ dán mắt vào màn hình máy tính và điều đó là hết sức nguy hiểm về mặt sức khỏe, tâm lý. Hơn nữa, nếu tôi học hết lớp 3, lên lớp 4, các em sẽ sử dụng tiếp tục máy đó hay mua máy mới? 

Vấn đề lớn nhất là chúng ta đang tiến hành đổi mới giáo dục, viết lại sách giáo khoa, xây dựng lại chương trình, vậy đề án này nếu thực hiện năm nay thì sẽ dùng bộ sách giáo khoa cũ hay mới? Đến năm 2020 sẽ đồng loạt thay đổi đại trà, sách giáo khoa điện tử sẽ thay đổi như thế nào?

- Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nói rằng đây là một giải pháp hiện đại hóa trường học, đột phá đổi mới, cách học thông minh…?

- Dự án đặt ra mục tiêu giúp học sinh thông minh hơn, tự chủ hơn… nhưng liệu có làm được điều ấy hay không? Một thay đổi lớn như vậy ít ra phải có thí điểm. Sở GD-ĐT TP.HCM phải tổ chức thí điểm để chứng minh kết quả xem người học, thầy giáo sử dụng như thế nào, đào tạo đội ngũ giáo viên ra sao? Sau khi thử nghiệm phải có đánh giá một cách độc lập. Mỹ đâu có thực hiện số hóa sách giáo khoa, ở Hàn Quốc đang thực hiện đại trà nhưng Thái Lan thất bại và cũng vừa dừng dự án này. Vậy tại sao họ bỏ? Hàn Quốc có thể thành công nhưng Việt Nam chắc gì phù hợp. Tôi cho rằng dự án không thể chấp nhận được!

- Theo ông, lứa tuổi nào phù hợp sử dụng máy tính bảng, sách điện tử?

- Ngay từ lớp 1 mà sử dụng cách học như vậy là không phù hợp, không ổn chút nào.  Hà Nội đã từng đưa bảng tương tác thông minh vào giảng dạy, học tập. Sự việc này rộ lên nhưng cuối cùng cũng “im hơi lặng tiếng”. Mình không nên chạy theo “phong trào”.

- Vậy theo Phó Giáo sư  tính khả thi của đề án sẽ như thế nào?

- Tôi nghĩ điều này không thực hiện được. Dư luận, phụ huynh phản đối dữ dội, đây mới chỉ là họp để trình bày thôi, chắc chắn dự án không thành.