PGS-TS Văn Như Cương đau xót vì bạo lực học đường lan rộng

ANTĐ - Thực trạng bạo lực học đường ở Việt Nam những năm gần gây diễn ra phức tạp. Đối tượng tham gia trực tiếp vào các vụ việc chủ yếu học sinh, bao gồm cả học sinh nữ và học sinh nam, tập trung ở cấp học THCS và THPT. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh -  Hà Nội về vấn đề này.

PV: Vừa qua, việc nữ sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị bạn cùng lớp đánh hội đồng đã 1 lần nữa dậy sóng dư luận về vấn nạn bạo lực học đường, ông có đánh giá như thế nào về vụ việc trên? 

PGS Văn Như Cương: Đây là cuộc đánh hội đồng của một nhóm học sinh khoảng 7 em, trong đó có một học sinh nam, đối với một học sinh nữ. Không chỉ dùng nắm đấm hay những cú đá, đạp… nhóm học sinh này còn lấy ghế nhựa ném và phang liên tiếp vào đầu nữ sinh này ngay trong lớp học. Một cách hành xử tàn bạo, không phải là của những người bạn trong cùng một trường, một lớp mà phảng phất như một trận đòn thù ở xã hội đen.

Vụ việc này mang tính chất rất nghiêm trọng. Thiết nghĩ, bạn bè cùng học một lớp, một trường lại có sự uất ức, căm phẫn dẫn đến hành động cầm ghế đánh liên tục vào đầu bạn như thế là rất khó hiểu. Bên cạnh đó những bạn chứng kiến cảnh đó nhưng không có môt sự can thiệp nào cả cũng thể hiện sự vô cảm, đây là một điều đáng lo hơn hết.  

PGS-TS Văn Như Cương đau xót vì bạo lực học đường lan rộng ảnh 1

 PGS-TS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội

Về phía nhà trường, để đến hai tháng mới biết có sự việc như vậy xảy ra, điều đó chứng tỏ sự lỏng lẻo trong công tác quản lý học sinh.

PV:  Là người có thâm niên trong nghề, ông có quan tâm đến thực trạng bạo lực học đường hiện nay không? 

PGS Văn Như Cương: Hiện tượng bạo lực học đường đang trở thành mối lo ngại của ngành giáo dục, cha mẹ học sinh và toàn xã hội. Nó tác động trực tiếp đến tinh thần, thái độ học tập của học sinh và việc giảng dạy của các thầy giáo, cô giáo. Bạo lực học đường ở Việt Nam diễn ra không chỉ ở các thành phố lớn mà còn có ở các vùng nông thôn, không chỉ xảy ra ở học sinh nam mà còn cả học sinh nữ và dường như xảy ra ở các cấp học.

Từ vụ nữ sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị đánh hội đồng, hay việc một nữ sinh lớp 7 khác ở Phú Thọ bị đánh phát câm và những vụ trước đó nữa, chúng ta nên đặt câu hỏi: Bạo lực học đường càng ngày càng phát triển, chứ không phải là dừng lại và hầu như nền giáo dục của chúng ta không có cách gì để ngăn chặn được sự gia tăng đó?

Tôi theo dõi thường xuyên những vụ việc đó. Tôi đau xót vì tình trạng bạo lực học đường ở nước ta đang càng ngày càng lan rộng. Học sinh dường như không tự nhận thức được rằng bạo lực học đường là một việc xấu, bị ngăn cấm, là một điều rất đáng quan tâm của xã hội. 

PV: Theo ông thì nguyên nhân nào dẫn đến sự tăng nhanh của nạn bạo lực học đường ở nước ta trong những năm trở lại đây?

PGS Văn Như Cương: Điều mà người ta vẫn thường nói đến và có lẽ nó luôn luôn đúng, đó là sự giáo dục trên 3 phương diện nhà trường, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, trong hệ thống giáo dục ở nước ta hiện nay, sự kết hợp giữa ba yếu tố này rất kém.

Thứ nhất, về phía nhà trường, một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm hiệu quả của việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là tình trạng nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người; chưa quan tâm đầy đủ, huy động các nguồn lực cần thiết cho công tác giáo dục đạo đức học sinh. Không ít nơi còn nặng về xử lý kỷ luật mà chưa có giải pháp ngăn chặn, giáo dục từ khi mới có biểu hiện, có nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật. Một bộ phận thầy cô giáo, lẽ ra phải là tấm gương cho học sinh về đạo đức, lối sống thì lại vi phạm chuẩn mực đạo đức.

Thứ hai, về gia đình, sự giáo dục giữa bố mẹ dành cho con cái là rất ít, bố mẹ ít gần gũi với con cái. Do điều kiện phải mưu sinh kiếm sống nên không có nhiều thời gian để hỏi han, quan tâm con; Cha mẹ thiếu quan tâm hay không tạo được quan hệ tình cảm với con cái; Cha mẹ kém khả năng kiểm soát con cái; Cha mẹ kém tình thương yêu và nối kết trong gia đình; Biện pháp giáo dục và kỷ luật không nhất quán, quá dễ dãi hay quá khắc nghiệt; Cha mẹ ly thân hoặc ly hôn; Cha mẹ có tiền án, tiền sự hoặc đang ngồi tù; Gia đình vừa trải qua những cú sốc về tinh thần như mất người thân, kiện cáo, phá sản,… Do đó, hiện nay tỉ lệ trẻ em phạm tội ngày càng tăng.

Về xã hội: Truyền thông định hướng dư luận chưa được tốt. Công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, trẻ em được tiếp cận với các trò chơi điện tử và mạng Internet từ khi còn rất nhỏ, từ đó dẫn đến các hiện tượng nghiện game online, nghiện internet cũng như các trang mạng xã hội, ảnh hưởng từ các trò chơi mang tính bạo lực cao, các em bất chấp pháp luật, chuẩn mực đạo đức để được thỏa mãn “nhu cầu bạo lực” thông qua các trò chơi online, rời xa cuộc sống thực tìm đến thế ảo của internet.

 Các ấn phẩm báo chí, sách, truyện tranh, video clip, phim ảnh mang tính bạo lực cũng góp phần hình thành “nhu cầu bạo lực” của trẻ em Việt Nam.

PV: Theo ông giải pháp nào có thể làm giảm thiểu nạn bạo lực học đường ở nước ta hiện nay?

PGS Văn Như Cương: Phải biết kết hợp chặt chẽ và cương quyết giữa ba yếu tố gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục con trẻ.

Phải tuyên truyền làm sao cho người ta quan tâm hơn đến con cái của mình. Để gia mỗi bản thân người làm cha, làm mẹ hiểu được rằng, con cái là cái vốn quý nhất của mỗi gia đình. Mục tiêu tối thượng nhất của gia đình là làm sao nuôi dạy được một đứa con ngoan, sống thật có ích cho gia đình và xã hội.

Điều quan trong nhất, những trường đào đạo như đại học sự phạm nên có những chuyên đề để những thầy cô tương lai có thể giáo dục được học sinh trong việc phòng chống bạo lực học đường, phải nắm bắt được tâm lý của học sinh. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.